Kế hoạch 79/KH-UBND năm 2015 đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công, viên chức và thi đua, khen thưởng do tỉnh Đồng Tháp ban hành
Số hiệu | 79/KH-UBND |
Ngày ban hành | 17/04/2015 |
Ngày có hiệu lực | 17/04/2015 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Tháp |
Người ký | Nguyễn Văn Dương |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 79/KH-UBND |
Đồng Tháp, ngày 17 tháng 04 năm 2015 |
ĐẨY MẠNH PHÒNG, CHỐNG TIÊU CỰC TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG
Thực hiện chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng; Quyết định số 922/QĐ-BNV ngày 29 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành chương trình hành động của ngành Nội vụ triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng như sau:
1. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
2. Thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tính công khai, minh bạch, nghiêm minh trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng.
3. Phòng, chống tiêu cực, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ.
1. Thực hiện đồng bộ, kết hợp công tác thông tin, tuyên truyền việc phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng với việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài cần được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao.
2. Phân công, xác định rõ trách nhiệm, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tiêu cực về công tác cán bộ gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Quyết định số 1083/QĐ-UBND-HC ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức giai đoạn 2013 - 2015 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về nâng cao chất lượng hoạt động công vụ với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân giai đoạn 2014 - 2015.
3. Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, có hiệu quả với cấp ủy, cơ quan báo chí và nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực trong quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng.
III. NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHỦ YẾU
1. Về công tác quản lý công chức, viên chức
a) Thường xuyên phổ biến, quán triệt hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý công chức, viên chức; đảm bảo thực hiện công khai quy trình, thủ tục về quản lý công chức, viên chức gồm: Tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, biệt phái, miễn nhiệm, nâng ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp, chế độ tiền lương và đãi ngộ, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức, viên chức; trong đó, chú trọng việc công khai thông tin tuyển dụng trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Trang Thông tin điện tử cơ quan, đơn vị, địa phương.
b) Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý biên chế và chủ trương tinh giản biên chế của Trung ương, đảm bảo giữ nguyên biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã, trừ trường hợp đặc biệt lập thêm tổ chức mới hoặc phát sinh các nhiệm vụ mới theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
c) Thực hiện nghiêm túc và đúng các quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính. Việc ký hợp đồng lao động để làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải trong phạm vi định mức hoặc số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao và bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Lao động.
d) Thực hiện đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi tuyển, thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh. Hoàn thiện nội dung ôn thi và ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án thi tuyển, thi nâng ngạch công chức cấp tỉnh, cấp huyện; xây dựng nội dung ôn thi và ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án thi tuyển công chức cấp xã. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi tuyển, thi nâng ngạch công chức.
đ) Tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án thi tuyển vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương không thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án tổ chức thực hiện để kịp thời bổ nhiệm công chức thông qua thi tuyển đối với những vị trí lãnh đạo, quản lý còn thiếu; hết thời hạn giữ chức vụ mà năng lực yếu cần xem xét, thay thế.
e) Thực hiện nghiêm túc công tác quy hoạch cán bộ, công chức theo quy định, bảo đảm sự chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài với cơ cấu hợp lý, nâng cao tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ; xác định rõ lộ trình, định kỳ rà soát đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đáp ứng được yêu cầu, điều kiện và bổ sung nhân tố mới; gắn công tác quy hoạch với các khâu khác trong công tác cán bộ, trước quy hoạch là đánh giá, sau quy hoạch là đào tạo, bồi dưỡng.
g) Công tác đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch, khắc phục tình trạng đảm bảo, bồi dưỡng ngoài quy hoạch gây lãng phí. Hoàn thiện những quy định về đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức, chú trọng cập nhật, bổ sung kiến thức mới, kỹ năng thiết yếu.
h) Căn cứ những quy định của pháp luật hiện hành, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bằng phần mềm tin học, bảo đảm công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thực hiện dân chủ, công bằng, thực chất; trên cơ sở đó mở rộng đối tượng, phạm vi áp dụng.
i) Thực hiện đúng trình tự, thủ tục đối với công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định tại Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo; tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 10/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2006 của Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với Trưởng, Phó Trưởng phòng thuộc sở và Trưởng Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã.
k) Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với những vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 150/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2007/NĐ-CP, đảm bảo công khai, khách quan, công tâm, khoa học, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không ảnh hưởng đến tăng, giảm biên chế và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
l) Định kỳ tổ chức sát hạch trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bắt buộc đối với cán bộ, công chức theo quy định tại Công văn số 355/UBND-NC ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Tỉnh, làm cơ sở cho công tác bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường; kịp thời thay thế cán bộ, công chức trì trệ, năng lực yếu, uy tín thấp.
m) Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ, công chức giữa các cấp, đưa công tác này vào nề nếp, trở thành việc làm thường xuyên trong công tác cán bộ góp phần đào tạo, thử thách cán bộ qua thực tiễn, tăng cường cán bộ, công chức cho những địa phương khó khăn, khắc phục một bước xu hướng cục bộ, khép kín, trì trệ trong công tác cán bộ.
n) Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức với nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo đúng quy định tại Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ; đảm bảo cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.
o) Thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo quy định; hướng dẫn thực hiện việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.
2. Về công tác thi đua, khen thưởng