Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 79/KH-UBND phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 79/KH-UBND
Ngày ban hành 12/04/2024
Ngày có hiệu lực 12/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Lâm Hải Giang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/KH-UBND

Bình Định, ngày 12 tháng 04 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC, PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ DÂN SINH MÙA KHÔ NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thực hiện Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, thủy văn để triển khai kịp thời các giải pháp, phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của hiện tượng El Nino trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu khác; chủ động kịp thời huy động mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, trong đó, cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng địa phương để có giải pháp cụ thể đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.

- Tuyên truyền, phổ biến cho người dân chủ động áp dụng các giải pháp cấp, trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian hạn hán, thiếu nước, tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Thường xuyên kiểm kê nguồn nước các công trình thủy lợi, điều tiết, dự trữ nguồn nước, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối, điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm nguồn nước cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao, ...) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2024.

- Tăng cường quản lý, khai thác vận hành các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện đảm bảo theo đúng quy định, quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt; phát huy cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống hạn, chủ động thực hiện các giải pháp chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động cấp nước sinh hoạt của các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch nông thôn để có giải pháp cấp nguồn thay thế kịp thời khi xảy ra thiếu nước. Xây dựng phương án các điểm cấp nước tập trung, cấp nước lưu động, hỗ trợ thiết bị cấp, trữ nước hộ gia đình cho những khu vực chịu ảnh hưởng.

- Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho các vùng canh tác ngoài phạm vi cấp nước tưới của công trình thủy lợi; lưu ý việc trữ nước và thực hiện các giải pháp về trồng trọt để giữ ẩm cho cây trồng, bảo đảm duy trì sức sống cho cây trồng trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.

- Các cấp, các ngành, các địa phương, các chủ đập thủy điện, thủy lợi và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm quán triệt cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện nghiêm túc Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và Kế hoạch này; phát huy cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống hạn, thiếu nước trên địa bàn tỉnh.

II. GIẢI PHÁP, PHƯƠNG ÁN PHÒNG, CHỐNG HẠN

1. Diễn biến, dự báo tình hình thời tiết:

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định diễn biến khí tượng, thủy văn từ tháng 04 đến tháng 08 năm 2024 trên địa bàn tỉnh như sau:

Từ đầu năm đến nay lượng mưa được 116mm, đạt 102% so với TBNN lũy kế (114mm); mưa trong tháng 3 được 17mm, đạt 59% so với trung bình nhiều năm (TBNN) (29mm); dự báo tháng 4 mưa thấp hơn từ 20-40% TBNN cùng kỳ (lượng mưa thấp hơn từ 10-20mm, lượng mưa TBNN tháng 4 phổ biến từ 30-50mm ở vùng đồng bằng, vùng núi từ 60-75mm), tháng 5 mưa thấp hơn từ 10-30% so với TBNN. Cuối tháng 5 đầu tháng 6 có đợt mưa tiểu mãn trên diện rộng, có nước để giữ nước trong hồ chứa và ruộng cũng có nước mưa, giảm hạn. Từ tháng 6 đến tháng 8 mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến tháng 8 phổ biến cao hơn 0,5-1°C; giữa tháng 4 là nóng nhất, sau đó gia tăng về tần suất và cường độ và phạm vi ảnh hưởng. Mất nước do bốc hơi mặt ruộng, mặt đất, mặt nước sẽ tăng cao hơn so với bình thường, lượng nước cần cung cấp cho sinh hoạt, cây trồng, vật nuôi phải nhiều hơn.

Mực nước trên các sông: Từ tháng 4 đến tháng 5 mực nước trên các sông nhìn chung ít biến đổi đến dao động nhỏ và có xu thế giảm, riêng cuối tháng 5 mực nước trên các sông có dao động (Mực nước bình quân các tháng trên sông An Lão tại An Hòa xấp xỉ đến thấp hơn TBNN cùng kỳ; sông Kôn thấp hơn TBNN cùng kỳ. Lượng dòng chảy trên sông An Lão tại An Hòa xấp xỉ đến thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ khoảng 18%).

2. Nguồn nước các hồ chứa và khả năng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024:

a) Hiện trạng nguồn nước các hồ chứa cấp nước vụ Hè Thu 2024

Đến thời điểm hiện nay dung tích 164 hồ chứa thủy lợi toàn tỉnh còn được 489/683 triệu m3 đạt 71,7% dung tích thiết kế, bằng 71% cùng kỳ năm 2023, hiện có 22 hồ cạn nước, cụ thể như sau: (i) Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý 63 hồ, dung tích hiện có 469/643 triệu m3, đạt 72,9% thiết kế; (ii) Trung tâm Giống nông nghiệp quản lý 02 hồ, dung tích hiện tại 0,25/0,33 triệu m3, đạt 74% dung tích thiết kế; (iii) Tổng số hồ do địa phương quản lý 99 hồ, dung tích hiện có 21/40 triệu m3, đạt 52% thiết kế, có 14 hồ cạn nước: Đồng Quang (Hoài Ân), Hóc Môn, Đồng Dụ (Phù Mỹ ); Hóc Ổi, Đá Bàn (Phù Cát); Đá Vàng (Tuy Phước); Hòa Mỹ, Rộc Đàng, Lỗ Ổi, Ông Chánh, Bàu Sen (Tây Sơn).

Mặc dù còn 489 triệu m3/683 triệu m3, đạt 71,7% dung tích, nhưng giảm nhanh do nhu cầu cấp nước gia tăng, lượng mưa tháng giảm và nắng nóng cao hơn so với trung bình nhiều năm, qua theo dõi trung bình mỗi tuần lượng nước các hồ suy giảm hơn từ 14,5 đến 19,5 triệu m3/tuần và nguồn nước các hồ chứa vừa và nhỏ còn trữ rất thấp chỉ từ 20-40% dung tích thiết kế, nhiều hồ cạn nước.

Nguồn nước hồ chứa Định Bình được bổ sung trong vụ từ các hồ chứa thủy điện Vĩnh Sơn, thủy điện Trà Xom khoảng 150 triệu m3; nguồn nước sông Kôn được bổ sung theo kế hoạch phát điện của Thủy điện An Khê -KaNak lưu lượng bình quân 15 m3/s.

b) Khả năng nguồn nước đáp ứng tưới vụ Hè Thu và nguy cơ các vùng bị hạn trong vụ Hè Thu cần chủ động dừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại;

Trong điều kiện thời tiết bình thường (như vụ Hè Thu năm 2023) toàn tỉnh tưới được 49.739 ha1, đạt 93,79 % tỷ lệ diện tích cây trồng được tưới trong vụ (53.034 ha).

Trong điều kiện dự báo nắng hạn vụ Hè Thu năm 2024 toàn tỉnh dự kiến ngừng sản xuất là 1.846 ha bao gồm: 1.191 ha phải khoanh vùng dừng sản xuất do thiếu nước và 12 hồ chứa sửa chữa nâng cấp trong vụ phải tháo cạn nước để thi công với diện tích bị ảnh hưởng 655 ha, cụ thể như sau:

(i) Đối với diện tích do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đảm nhận tưới trong vụ Hè Thu năm 2024: Trong tổng số 35.829 ha diện tích canh tác trong hệ thống tưới của Công ty, qua cân đối nguồn nước các công trình đảm bảo tưới chắc 34.534 ha diện tích sản xuất, còn 1.295 ha phải khoanh vùng không sản xuất do thiếu nước ở 17 hồ chứa là 971 ha và sửa chữa nâng cấp các hồ chứa theo kế hoạch dừng sản xuất 324 ha, cụ thể như sau:

[...]