Kế hoạch 770/KH-UBND năm 2016 về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 770/KH-UBND
Ngày ban hành 29/01/2016
Ngày có hiệu lực 29/01/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Y Dhăm Ênuôl
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 770/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 29 tháng 01 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”;

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh đến năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. Thực trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh

1. Thực trạng công tác thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR)

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 17 đơn vị dịch vụ công ích hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt (trong đó có 01 đơn vị 100% vốn nhà nước), 100% các đô thị, trung tâm huyện lỵ và 27/151 xã khu vực nông thôn đã có tổ chức dịch vụ công ích thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa.

Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt toàn tỉnh tăng trung bình trên 3%/năm. Tỷ lệ chất thải rắn đô thị thu gom năm 2010 đạt 63,84%, năm 2015 ước đạt 78%. Phạm vi thu gom CTR sinh hoạt từng bước được mở rộng đến vùng ngoại thị, trung tâm các xã và các trục đường chính (Quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện ...).

Công nghệ xử lý CTR: Ngoài 02 bãi chôn lấp CTR được đầu tư, xây dựng theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Cư kuin, các bãi xử lý CTR khác đều là bãi tạm, quy mô nhỏ, chưa được đầu tư hạ tầng thiết yếu nên biện pháp xử lý chủ yếu nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường (đổ tự do và xử lý sơ bộ bằng cách phun thuốc diệt ruồi, các chất khử mùi; đốt, chôn tại chỗ định kỳ 3-6 tháng/lần). Tất cả các bãi chôn lấp CTR hiện nay chưa thực hiện phân loại, xử lý theo các tiêu chí quy định về môi trường.

Chi phí xử lý CTR: tại thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 64.000đ/tấn, huyện Cư Kuin là 90.410đ/tấn (xử lý chôn lấp hợp vệ sinh), các bãi rác khác trên địa bàn tỉnh chi phí khoảng 40.000đ/tấn để xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Kinh phí xử lý CTR được cấp từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường địa phương nhưng rất hạn hẹp. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, công tác khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường còn hạn chế nên nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các bãi chôn lấp CTR hiện nay là rất cao.

2. Một số tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Quy hoạch quản lý chất thải rắn đô thị, khu công nghiệp và các điểm dân cư nông thôn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 đã được phê duyệt, tuy nhiên hầu hết các nội dung quy hoạch chưa được triển khai thực hiện.

Đối với hoạt động thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt: dịch vụ thu gom chỉ tập trung các công trình công cộng và dọc theo các trục đường chính, riêng các khu dân cư trong các ngõ hẻm, xa đường giao thông chính thì chưa có hoạt động thu gom CTR sinh hoạt. Tỷ lệ thu phí vệ sinh trong cộng đồng dân cư thấp, năm 2014 tỷ lệ thu phí vệ sinh chỉ chiếm 15-17% trong tổng số chi phí dịch vụ. Một số địa phương chưa đủ điều kiện bố trí vốn cho dịch vụ công ích nên hoạt động thu gom, xử lý CTR sinh hoạt của các đơn vị dịch vụ công ích còn rất khó khăn, năng lực còn nhiều hạn chế do vậy chưa đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ.

Do nhận thức, ý thức của một số người dân còn thấp nên vẫn còn xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định như: Bỏ rác sinh hoạt ra ngoài hè phố không đúng lộ trình xe đi thu gom của đơn vị thực hiện, xả rác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, hai bên bờ suối... gây ảnh hưởng đến dòng chảy, ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị.

Ngoài 02 Bãi chôn lấp CTR tại thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Cư Ruin, các cơ sở xử lý CTR khác chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Hầu hết bãi chôn lấp đều xử lý CTR không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.

Trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức/cá nhân đủ điều kiện hành nghề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, chưa có khu xử lý chất thải nguy hại tập trung của tỉnh, gây khó khăn trong công tác quản lý chất thải nguy hại, đặc biệt là đối với các đơn vị/cơ sở quy mô nhỏ có phát sinh chất thải nguy hại. Vì vậy, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn trên địa bàn chưa được phân công cụ thể, chưa xử lý kịp thời và nghiêm túc theo quy định.

II. Nguyên tắc quản lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Việc quản lý CTR sinh hoạt nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người; mọi hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Quản lý CTR sinh hoạt phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp; ưu tiên việc phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh CTR tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng CTR phải thu gom, xử lý.

3. Mọi tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh khu vực làm việc, nơi công cộng, nơi cư trú không để chất thải, đất, phế thải ở hè, đường trước cửa cơ quan và nhà của mình; tự phân loại và thực hiện lưu giữ chất thải sinh hoạt trong khu vực của mình đảm bảo vệ sinh môi trường; đổ chất thải đúng thời gian, đúng nơi quy định.

III. Mục tiêu đạt được đến năm 2020

Đến năm 2020, tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị được thu gom đạt 90,3%. Từng bước nâng tỷ lệ CTR sinh hoạt được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc chế biến, sản xuất phân hữu cơ.

Xã hội hóa công tác thu gom, mạng lưới thu gom, vận chuyển CTR trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu 100% các đô thị và trên 70% khu vực nông thôn (trung tâm các xã, khu vực dân cư tập trung) có dịch vụ công ích thu gom, vận chuyển CTR.

Đầu tư cơ sở hạ tầng các bãi chôn lấp CTR sinh hoạt theo Quy hoạch đã được phê duyệt, trung bình mỗi huyện phải có một cơ sở xử lý CTR đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật về môi trường.

IV. Nội dung thực hiện

[...]