Kế hoạch 77/KH-UBND năm 2023 thực hiện Dự án "Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025" trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 77/KH-UBND
Ngày ban hành 05/05/2023
Ngày có hiệu lực 05/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 05 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỌC ĐẾN NĂM 2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Quyết định số 356/QĐ-BGD ngày 03/2/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025”; Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 07/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên, sinh viên, cha mẹ học sinh (gọi tắt là các thành viên nhà trường) trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy đối với thế hệ trẻ ở trong và ngoài các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là nhà trường).

- Phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị chung tay tham gia công tác phòng, chống ma túy (PCMT) nhằm tạo phong trào trong toàn tỉnh góp phần từng bước xây dựng cơ chế tự phòng vệ cho toàn xã hội trước sự tấn công của tệ nạn ma túy; tăng cường chỉ đạo làm chuyển biến nhận thức về vai trò, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong PCMT, nhất là vai trò của người đứng đầu.

- Triển khai, sử dụng đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy tác động vào thế hệ trẻ và ngăn chặn ma túy xâm nhập vào các nhà trường, góp phần làm giảm số người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy trong cả nước; giải quyết tổng thể nhiệm vụ giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.

- Nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, gia đình và toàn xã hội để chủ động PCMT. Từng bước ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do ma túy gây ra nhằm tạo môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể

- 100% nhà trường xác định được thực trạng công tác PCMT trong nhà trường (ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân hạn chế, yếu kém); hiệu quả của việc tuyên truyền, giáo dục PCMT cho các thành viên nhà trường, từ đó đề xuất các biện pháp hiệu quả hơn.

- 100% nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về PCMT với các hình thức, nội dung phù hợp. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức PCMT với hình thức, thời lượng và nội dung phù hợp với từng đối tượng học sinh, học viên, sinh viên (HSSV) ở các cấp học; nâng cao chất lượng, số lượng tin bài; tăng dần sản phẩm truyền thông về PCMT năm sau cao hơn năm trước.

- Ít nhất 90% tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường được trang bị kiến thức và kỹ năng PCMT để có đủ năng lực thực hiện việc lồng ghép, tích hợp nội dung tuyên truyền, giáo dục PCMT trong giảng dạy chính khóa, hoạt động trải nghiệm và giải quyết các vướng mắc liên quan đến vấn đề ma túy cho HSSV khi cần.

- 100% nhà trường thành lập Ban Chỉ đạo PCMT thực hiện nhiệm vụ thường xuyên gắn với nhiệm vụ, hoạt động của nhà trường trong từng năm học; thiết lập được đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, tư vấn, hỗ trợ và có giải pháp phù hợp, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác PCMT trong trường học.

2. Yêu cầu

a) Công tác PCMT phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng; Đảng bộ, Chi bộ nhà trường, sự quản lý phối hợp chỉ đạo của các cấp chính quyền đặc biệt là chính quyền xã, phường, thị trấn. Trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng Công an.

b) Phòng, chống ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành và tổ chức chính trị - xã hội. Nội dung công tác PCMT ngoài việc thực hiện các nội dung đã đề ra trong chương trình phải được lồng ghép với việc thực hiện các chương trình, chiến lược có liên quan của từng nhà trường.

c) Tăng cường quản lý học sinh, giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội nhằm nắm bắt, giám sát nhóm đối tượng HSSV có hành vi nguy cơ cao sử dụng ma túy trái phép.

d) Đảm bảo nguồn lực cho công tác PCMT phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCMT trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các thành phần kinh tế và của tất cả công dân.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện hằng năm

a) Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các nhà trường trên địa bàn tỉnh kiện toàn hoặc thành lập Ban chỉ đạo PCMT.

b) Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ PCMT trong trường học.

2. Các nhà trường tổ chức nắm bắt thực trạng tệ nạn ma túy và công tác PCMT, cụ thể như sau:

a) Chủ động phối hợp với lực lượng Công an thực hiện điều tra, khảo sát, thống kê danh sách các thành viên có liên quan đến tệ nạn ma túy để nắm bắt thực trạng tình hình ma túy trong các nhà trường; phối hợp với các ban, ngành liên quan xử lý theo quy định của Pháp luật; nhà trường phối hợp với gia đình và địa phương tổ chức cai nghiện đối với các trường hợp nghiện ma túy (nếu có).

b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan (Công an, Chính quyền địa phương, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,…) phát hiện sớm các thành viên nhà trường có nguy cơ liên quan đến ma túy để tư vấn, giúp đỡ kịp thời.

c) Sở GDĐT tổng hợp công tác PCMT của các nhà trường trong tỉnh định kỳ 02 lần/năm (trước ngày 25/5 và 15/12), xử lý kịp thời đúng quy định đối với tập thể, các thành viên liên quan đến ma túy.

[...]