Kế hoạch 74/KH-UBND năm 2014 về nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến xã, thôn, bản của 11 huyện miền núi đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh thanh Hoá.

Số hiệu 74/KH-UBND
Ngày ban hành 01/07/2014
Ngày có hiệu lực 01/07/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Phạm Đăng Quyền
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 01 tháng 07 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ Y TẾ TUYẾN XÃ, THÔN, BẢN CỦA 11 HUYỆN MIỀN NÚI TỈNH THANH HÓA, ĐẾN NĂM 2020

I. THỰC TRẠNG CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ CHẤT LƯỢNG CUNG CẤP DỊCH VỤ Y TẾ TẠI XÃ, THÔN, BẢN

1. Về cơ sở vật chất

Do nguồn kinh phí hạn chế, mức đầu tư thấp và phần lớn được xây dựng trong nhiều năm từ nhiều nguồn vốn, nên phần lớn cơ sở vật chất các trạm y tế xã của các huyện miền núi được đầu tư chắp vá, thiếu đồng bộ; không được sửa chữa, nâng cấp thường xuyên, nhiều trạm kể cả các trạm đã đạt chuẩn giai đoạn 2001-2010 cũng đã xuống cấp, thiếu phòng triển khai các hoạt động chuyên môn, phòng làm việc.

Hiện nay, trong 196 xã, thị trấn của 11 huyện miền núi mới có 65 xã, chiếm 33,2% trạm y tế có từ 10 phòng kiên cố trở lên (trong đó có 44 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020); 131 xã còn lại có trạm y tế nhưng xuống cấp hoặc không đủ số phòng làm việc, công trình phụ trợ hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo điều kiện để triển khai các nhiệm vụ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đặc biệt còn 4 xã chưa có nhà trạm (mượn cơ sở làm việc) gồm: Thị trấn Mường Lát; Thị trấn Quan Sơn và xã Trung Tiến huyện Quan Sơn; xã Bát Mọt huyện Thường Xuân.

Với điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay, khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao sẽ rất khó khăn; không đảm bảo an toàn cho người bệnh, cán bộ y tế; việc bảo quản trang thiết bị, vật tư, thuốc an toàn (nhất là trong mùa mưa bão) cũng đang là đòi hỏi hết sức bức thiết.

2. Về trang thiết bị y tế

Theo quy định của Bộ Y tế, danh mục trang thiết bị y tế tại trạm là 176 loại, hiện nay, trung bình mỗi trạm y tế có khoảng 100 danh mục, như vậy còn thiếu 76 (43,2%) danh mục trang thiết bị cho mỗi trạm y tế. Đặc biệt mới có gần 3% trạm y tế có máy siêu âm, 49,5% trạm y tế có máy đo đường huyết, chưa trạm y tế nào có máy điện tim.

3. Về nhân lực

Theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước, số lượng cán bộ trạm y tế xã của 11 huyện miền núi cần có là 1079 cán bộ, hiện có 1037 cán bộ, còn thiếu 42 cán bộ.

Về chủng loại cán bộ trạm y tế: trong số 1037 cán bộ, theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ còn thiếu 33 bác sỹ, 193 dược sỹ trung học, 108 nữ hộ sinh.

Cơ cấu chủng loại cán bộ chưa phù hợp, chất lượng cán bộ chưa đáp ứng kịp nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và sự thay đổi của mô hình bệnh tật.

Về y tế thôn, bản: theo Quyết định 3447/QĐ-BYT ngày 22/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế: hiện mới có 1861/1902 thôn, bản có nhân viên y tế, được trang bị 01 túi thuốc y tế thôn, bản theo quy định của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, số lượng nhân viên y tế thôn, bản qua đào tạo theo chuẩn của Bộ Y tế và làm việc kém hiệu quả đang chiếm số lượng không nhỏ. Chế độ phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản được hưởng thấp và còn nhiều bất cập (mức 0,5 áp dụng tại các xã vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ; đối với các xã còn lại nhân viên y tế thôn bản được áp dụng mức 0,3 và ở các thị trấn chưa được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng). Nhân viên y tế thôn, bản hoạt động lồng ghép với cộng tác viên khác như dân số, phụ nữ, hội chữ thập đỏ..., do vậy thời gian để hoạt động độc lập với chức năng nhiệm vụ của y tế thôn bản còn ít nên hiệu quả công việc chưa cao.

4. Về hoạt động chuyên môn

Nhìn chung, các trạm y tế đã thực hiện được khoảng 80% chức năng, nhiệm vụ được giao và thực hiện được 50% dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành (theo quy định tại trạm y tế có 109 dịch vụ).

Với những khó khăn, hạn chế về có sở vật chất, trang thiết bị y tế và cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác y tế cơ sở hiện nay, cùng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, công tác y tế cơ sở còn rất nhiều khó khăn, cần có sự quan tâm của các cấp các ngành và đặc biệt cần được đầu tư đồng bộ, toàn diện mới có thể nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở cơ sở, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho tuyến xã, thôn bản; xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020.

- Lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; đặc biệt gắn việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến xã, thôn, bản với Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương và lồng ghép với đề án xây dựng cơ sở vật chất các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2015 và đến năm 2020.

2. Yêu cầu đến năm 2020

- 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020.

+ Đến năm 2014: 65 xã (33% số xã), trong đó số đạt mới là 21 xã;

+ Đến năm 2015: 84 xã (43% số xã), trong đó số đạt mới là 20 xã;

+ Đến năm 2016: 110 xã (56% số xã), trong đó số đạt mới là 25 xã;

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ