Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 7059/KH-UBND năm 2023 về phát triển vùng trồng tập trung các sản phẩm chủ lực gắn với Mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 7059/KH-UBND
Ngày ban hành 16/10/2023
Ngày có hiệu lực 16/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7059/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 16 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG TẬP TRUNG CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC GẮN VỚI MÃ SỐ VÙNG TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2023-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 15/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; Kết luận số 91-KL/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch phát triển vùng trồng tập trung các sản phẩm chủ lực gắn với Mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững theo hướng phát huy lợi thế so sánh, tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ tiên tiến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân trong tỉnh, các tỉnh lân cận và xuất khẩu.

- Phát huy lợi thế của từng vùng, miền theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa, chuyên canh, quy mô lớn, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030.

- Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang tư duy kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hoá trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, gắn với nhu cầu của thị trường; nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân và năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Các sản phẩm sản xuất theo chuỗi áp dụng các quy trình kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đẩy mạnh việc hình thành các loại hình kinh tế tập thể hợp tác sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu, cấp và sử dụng Mã số vùng trồng (MSVT) hiệu quả; quảng bá và phát triển làng nghề, du lịch nông nghiệp, thực hiện tốt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2023-2025

- Tổng diện tích sản xuất sản phẩm cây trồng chủ lực theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đảm bảo an toàn thực phẩm khoảng 30.000 ha, trong đó 10.000 ha ứng dụng công nghệ tiên tiến; diện tích vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực1, đặc sản gắn với cấp MSVT2 đạt trên 20%.

- Hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với cấp MSVT cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản đối với các cây: lương thực (lúa, ngô); cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, mè); cây rau, đậu thực phẩm; cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm; cây dược liệu. Trong đó, mỗi địa phương (cấp huyện) có ít nhất 10 -15 ha mô hình sản xuất cây trồng chủ lực, đặc sản phát triển tập trung theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...) hoặc các tiêu chuẩn phù hợp khác có ứng dụng công nghệ tiên tiến được cấp MSVT (quy mô diện tích từng mô hình tuỳ thuộc vào loại cây trồng và các yêu cầu kỹ thuật khác).

- Xây dựng thí điểm (vùng sản xuất nguyên liệu tập trung) một số chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với cấp MSVT, chuyển đổi số trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

- Kêu gọi và thu hút được 2-3 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; mỗi địa phương có ít nhất 01 HTX (Hợp tác xã) liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vùng nguyên liệu tập trung sản phẩm chủ lực, đặc sản trên địa bàn.

- Phấn đấu giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác cây trồng chủ lực, đặc sản tập trung đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp MSVT đạt từ 150 triệu đồng/ha/năm trở lên.

2.2. Định hướng đến năm 2030

- Nhân rộng vùng sản xuất tập trung gắn với cấp MSVT cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản. Phấn đấu trên 100% diện tích cây trồng chủ lực, đặc sản sản xuất tập trung đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp MSVT, trong đó có 4-5 vùng được cấp MSVT phục vụ xuất khẩu; diện tích sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hoặc tương đương có ứng dụng công nghệ tiên tiến, được cấp MSVT đạt từ 1.000 ha trở lên.

- Tiếp tục xây dựng hoàn thiện, số hóa các vùng nguyên liệu tập trung cho một số chuỗi giá trị sản phẩm sản chủ lực, sản phẩm OCOP hàng hóa đã được cấp MSVT theo hướng nông nghiệp thông minh, khép kín, tuần hoàn; từng bước nâng cấp, đổi mới, mở rộng các khâu, các loại hình ứng dụng công nghệ, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0, cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ vào sản xuất quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

- Kêu gọi và thu hút được 1-2 doanh nghiệp liên kết với HTX, tổ hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với quy định pháp luật để phục vụ xuất khẩu; mỗi địa phương (cấp huyện) có 2-3 HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vùng nguyên liệu tập trung sản phẩm chủ lực, đặc sản trên địa bàn.

(Chi tiết Kế hoạch thực hiện theo Phụ lục I kèm theo).

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, từ sản xuất nông nghiệp đảm bảo an sinh xã hội sang sản xuất nông nghiệp hàng hoá; từ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ chú trọng về số lượng sang chất lượng để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; sản xuất nông nghiệp gắn chặt với nhu cầu thị trường; nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân và năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết.

- Triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, ATTP (an toàn thực phẩm) của Việt Nam và thị trường nhập khẩu cho tất cả các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản; tăng cường phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất vùng trồng tập trung, hàng hóa sản phẩm chủ lực, đặc sản gắn với MSVT áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, đăng ký thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa lên hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, tỉnh.

- Đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực (đội ngũ cán bộ, nông dân, HTX, THT...) phục vụ phát triển sản xuất phù hợp với yêu cầu công nghệ mới và nhu cầu thị trường; nâng cao năng lực về kỹ thuật sản xuất, quản lý kinh tế hộ, trang trại và an toàn thực phẩm tại địa phương.

- Xây dựng tài liệu tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm đối với vùng trồng tập trung, hàng hóa gắn với MSVT nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

[...]