Kế hoạch 675/KH-UBND năm 2020 về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2025

Số hiệu 675/KH-UBND
Ngày ban hành 03/04/2020
Ngày có hiệu lực 03/04/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Tống Thanh Hải
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 675/KH-UBND

Lai Châu, ngày 03 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

Căn cứ Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu xây dựng Kế hoạch phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2025 với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thực hiện tốt các mục tiêu về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng, vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em, phù hợp, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đảm bảo các quyền của trẻ em được thực hiện theo công ước Quốc tế của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em; mọi trẻ em đều được bảo vệ để giảm nguy cơ không bị bạo lực, xâm hại.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuyên truyền, tham gia, thực hiện phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

2. Yêu cầu

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần phát huy vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp, tham gia trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; nghiên cứu triển khai xây dựng thực hiện Kế hoạch phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025 đảm bảo thiết thực, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế.

Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, triển khai sâu rộng Luật Trẻ em; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về quyền trẻ em, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Khuyến khích tạo điều kiện huy động các bên tham gia và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để triển khai các hoạt động theo kế hoạch.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động để kết nối với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số điện thoại 111); phối hợp vận động xã hội hóa từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhằm tiết kiệm kinh phí và đảm bảo hiệu quả.

II. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH

Nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực cá nhân, gia đình và toàn xã hội nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; đa dạng hóa các hình thức, nội dung truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

1. Phấn đấu 95% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 95% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi.

2. Phấn đấu 100% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp được củng cố và phát triển ở tất cả các huyện, thành phố.

3. Phấn đấu 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục và người học; thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi phát hiện trẻ em bị bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục.

4. 100% cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện được tăng cường năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

5. Phấn đấu 100% cán bộ trong ngành Công an làm việc với trẻ em được nâng cao năng lực trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em mà không gây thêm bất cứ tổn hại nào về tâm lý, tình cảm, nhân cách của trẻ em, vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em

6. 100% trẻ em bị bạo lực, xâm hại khi phát hiện được can thiệp sớm, được chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tâm lý để phát triển và hòa nhập cộng đồng.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM

1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động xã hội

Thường xuyên thực hiện công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội, cha mẹ và trẻ em.

Hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, quan niệm trong việc bảo vệ trẻ em.

Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành tại địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, trong việc chỉ đạo, quản lý và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về quyền trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tạo lập và bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên về các lĩnh vực liên quan đến công tác trẻ em trong đó chú trọng đến công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Nghiên cứu, xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng và giáo dục về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

[...]