Kế hoạch 6587/KH-UBND năm 2022 về bồi dưỡng cán bộ, công chức xã của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025
Số hiệu | 6587/KH-UBND |
Ngày ban hành | 07/10/2022 |
Ngày có hiệu lực | 07/10/2022 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Nam |
Người ký | Trần Văn Tân |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6587/KH-UBND |
Quảng Nam, ngày 07 tháng 10 năm 2022 |
BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ CỦA TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2021-2025
Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
Căn cứ Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/01/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Công văn số 2580/BNV-ĐT ngày 16/6/2022 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2021-2025;
UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức xã của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, như sau:
1. Mục đích
Cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức xã về năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn, nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã có đủ kiến thức, trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội; công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
2. Yêu cầu
Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo từng chức danh cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ, công chức xã trên các lĩnh vực quản lý hành chính, kinh tế - xã hội, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn.
II. Nội dung kế hoạch bồi dưỡng
a) Bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn; bồi dưỡng bổ sung kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật tình hình kinh tế xã hội, nắm bắt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
b) Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực thi công vụ ở xã; ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ theo vị trí việc làm.
c) Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức xã về kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp theo chức danh đảm nhiệm trên các lĩnh vực ở xã; kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; kỹ năng hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa UBND xã.
d) Bồi dưỡng và nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, hiệu quả ở các cấp (liên thông); bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin; mạng và khai thác thông tin trên mạng; phần mềm mã nguồn mở cho cán bộ xã góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
đ) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo chức danh đảm nhiệm:
- Bồi dưỡng các chức danh cán bộ xã: tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành; kiến thức cơ bản về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; kiến thức và kỹ năng trong tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND, các tổ chức chính trị-xã hội xã; kỹ năng lãnh đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
- Bồi dưỡng công chức chỉ huy trưởng Quân sự xã: kiến thức về quản lý nhà nước, hành chính ở cơ sở; vấn đề về dân tộc, tôn giáo; dân quân tự vệ làm công tác dân vận; vấn đề về quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
- Bồi dưỡng công chức Văn phòng - Thống kê: kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ quản trị văn phòng, nghiệp vụ văn thư lưu trữ; nghiệp vụ thống kê và văn hóa công sở.
- Bồi dưỡng công chức Tư pháp - Hộ tịch: kiến thức cơ bản về Nhà nước và pháp luật; quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở xã; một số vấn đề về xử lý vi phạm hành chính ở xã; bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ tự kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở, giải quyết hòa giải, mâu thuẫn ở khu vực nông thôn; nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý.
- Bồi dưỡng công chức Văn hóa - Xã hội: kiến thức quản lý nhà nước về các lĩnh vực việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội; tổ chức và quản lý lễ hội; văn hóa cơ sở và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng phong trào và tổ chức hoạt động thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở.
- Bồi dưỡng công chức Tài chính - Kế toán: kiến thức chuyên sâu về kế toán ngân sách xã; quản lý thu ngân sách và thu tài chính khác, chi ngân sách và chi tài chính khác của xã; quản lý tài chính dự án do xã làm chủ đầu tư; quản lý tài sản nhà nước tại xã.
- Bồi dưỡng công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường: kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở xã: quy hoạch-kế hoạch sử dụng đất; giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; đăng ký, thống kê đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; nghiệp vụ quản lý và bảo vệ môi trường ở cơ sở; quản lý hạ tầng kỹ thuật nông thôn; sử dụng và chỉnh lý bản đồ địa chính; quản lý hồ sơ địa chính; thanh tra, kiểm tra tài nguyên và môi trường ở cơ sở; quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn ở xã; quản lý nhà nước đối với các tổ chức kinh tế trên địa bàn xã; hội nhập quốc tế trong nông nghiệp, nông thôn. Kiến thức tổng quan về ngành xây dựng và quản lý nhà nước về xây dựng; quy hoạch xây dựng; quản lý dự án đầu tư xây dựng; công tác thanh kiểm tra, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính; giải quyết khiếu nại tố cáo về xây dựng trên địa bàn xã.
Hằng năm, căn cứ nhu cầu thực tế của UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, trình UBND tỉnh phê duyệt.