Kế hoạch 6523/KH-UBND năm 2011 thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy tại Hải Phòng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 6523/KH-UBND
Ngày ban hành 27/10/2011
Ngày có hiệu lực 27/10/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6523/KH-UBND

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT MA TÚY TẠI HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Trong những năm qua, bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương và Chính phủ, Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch chỉ đạo quyết liệt công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Các ban, ngành, đoàn thể đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, các thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy cũng như ý thức cảnh giác, tự giác tham gia cùng với lực lượng chức năng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy. Đã điều tra khám phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng ma túy lớn, triệt xóa hàng chục tụ điểm phức tạp, nhức nhối về ma túy. Công tác phòng chống ma túy được chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện, kết hợp chặt chẽ các khâu, từ tuyên truyền, bắt giữ, xử lý đến hoạt động phòng ngừa, qua đó đã phát huy được sự chủ động sáng tạo của các ngành, các địa phương, tổ chức, đoàn thể.

Tuy nhiên tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp; số người nghiện ma túy và số xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố không giảm. Bên cạnh đó hoạt động của một số đường dây đưa ma túy về Hải Phòng có chiều hướng phức tạp, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt, tàng trữ trái phép vũ khí chống người thi hành công vụ; tình trạng thanh thiếu niên tổ chức sử dụng và sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng.

Trước tình hình trên, thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xây dựng kế hoạch với những nội dung như sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO.

1. Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt.

2. Phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên liên tục và lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội. Nội dung công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải được lồng ghép với việc thực hiện các Chương trình, Chiến lược quốc gia có liên quan.

3. Đầu tư cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững của thành phố. Huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế, xã hội của thành phố trong từng giai đoạn, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng cho công tác này.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Coi trọng công tác phòng, chống ma túy từ gia đình, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đặc biệt cần tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

5. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế và của toàn dân.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân, gia đình và toàn xã hội để chủ động phòng, chống và kiểm soát ma túy. Từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do ma túy gây ra nhằm tạo môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

- Chặn đứng sự gia tăng người nghiện mới; giảm tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy trong cộng đồng, đặc biệt là trong nhóm có nguy cơ cao; tổ chức cao nghiện ma túy theo hướng có hiệu quả, bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Giảm 30% số người nghiện ma túy so với hiện nay; phấn đấu đạt 70% số xã, phường, thị trấn và 90% cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, trường học không có tệ nạn ma túy.

- 100% số người nghiện ma túy được phát hiện và quản lý, 90% số người nghiện ma túy được điều trị, cai nghiện và học nghề; 100% số người nghiện trong trại giam được cai nghiện; giảm từ 10% đến 15% tỷ lệ tái nghiện so với hiện nay.

- Không để phát sinh, tồn tại các tụ điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn thành phố.

- Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh hợp pháp các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần; không để tội phạm ma túy lợi dụng vào việc sản xuất trái phép ma túy.

3. Định hướng đến năm 2030

- Củng cố, duy trì các mục tiêu đã đạt được, đẩy lùi tệ nạn ma túy, thu hẹp số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, tạo môi trường lành mạnh phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

- Tập trung tuyên truyền sâu rộng có hiệu quả đối với nhóm có nguy cơ cao để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện ma túy mới.

- Ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất nguồn ma túy xâm nhập vào địa bàn thành phố; triệt xóa tận gốc các tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy.

III. NHIỆM VỤ

1. Các cơ quan, đoàn thể, phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng chống ma túy cũng như các hoạt động phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, sinh động và phù hợp với từng loại đối tượng tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, các nhóm nguy cơ cao đảm bảo chuyển tải được các thông tin về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố, các ngành; các hoạt động diễn ra và kết quả đấu tranh, tổ chức chữa trị, cai nghiện, phục hồi dạy nghề lao động sau cai; biểu dương, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến nhằm nâng cao nhận thức, huy động sức mạnh của toàn xã hội vào công tác phòng, chống ma túy.

2. Quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy; tổ chức cho tất cả người nghiện ma túy được khai báo tình trạng nghiện và đăng ký hình thức điều trị, cai nghiện phù hợp; củng cố, nâng cấp các Trung tâm cai nghiện của thành phố, triển khai mạnh các hình thức cai nghiện tại cộng đồng và gia đình; đẩy mạnh công tác điều trị cho các đối tượng nghiện bằng thuốc Methadone; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng sau cai nghiện; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý sau cai, phòng ngừa tái nghiện.

3. Chủ động phòng ngừa, tích cực nắm tình hình, phát hiện xử lý kịp thời, đấu tranh có hiệu quả với các đường dây, ổ nhóm, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn thành phố; kiểm soát chặt chẽ tiền chất, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi sản xuất trái phép ma túy từ tiền chất, trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.

[...]