Kế hoạch 62/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định 401/QĐ-TTg Kế hoạch triển khai Chỉ thị 40-CT/TW do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 62/KH-UBND
Ngày ban hành 07/06/2016
Ngày có hiệu lực 07/06/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Phạm Ngọc Thưởng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 07 tháng 6 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 401/QĐ-TTG NGÀY 14/3/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 40-CT/TW NGÀY 22/11/2014 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

Thực hiện Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Công văn số 1129-CV/TU ngày 26/01/2015 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn về việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 1129-CV/TU ngày 26/01/2015 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Lạng Sơn về thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

b) Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong việc xây dựng cơ chế chính sách và bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.

c) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng và tính nhân văn của tín dụng chính sách xã hội; từ đó thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Xác định rõ nhiệm vụ chỉ đạo và thực hiện đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội của các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Nâng cao trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch, là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh.

b) Tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội.

c) Đề xuất với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, đồng thời tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, các hướng dẫn của Trung ương và Kế hoạch này; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

UBND các huyện, thành phố; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các Sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sát những nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cho cán bộ, đảng viên và quần chúng để thống nhất trong triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ở đơn vị; hàng năm báo cáo đánh giá kết quả thực hiện của các ngành, đơn vị.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng các hình thức thích hợp, phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, đơn vị, để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội.

- Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước, hướng dẫn công tác khuyến nông, kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; phổ biến các mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.

2. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội:

Các cơ quan của tỉnh, chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tham gia thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong việc:

a) Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

b) Thực hiện chức năng giám sát cộng đồng đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cũng như đối với hoạt động tín dụng chính sách do Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện.

c) Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các công việc được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác; lồng ghép các nội dung được uỷ thác với các chương trình, dự án và hoạt động thường xuyên của tổ chức chính trị-xã hội; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

3. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc cân đối nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách tỉnh; hằng năm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chuyển sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh từ 2.000 triệu đồng trở lên để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

b) Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh:

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình tín dụng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

[...]