Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 618/KH-UBND năm 2021 về thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế khi có 10.000 người mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu 618/KH-UBND
Ngày ban hành 23/09/2021
Ngày có hiệu lực 23/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Đào Quang Khải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 618/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 23 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THU GOM, VẬN CHUYỂN, LƯU GIỮ VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI Y TẾ KHI CÓ 10.000 NGƯỜI MẮC COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại tờ trình số 232/TTr-STNMT ngày 20/9/2021, về việc ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế khi có 10.000 người mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

- Hạn chế, giảm thiểu tối đa tác động của chất thải y tế ra ngoài môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh từ chất thải.

2. Yêu cầu

- Xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly, đảm bảo các quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải tại địa phương để đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý. Đảm bảo việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế phát sinh đáp ứng theo các phương án phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

- Phân định rõ các nhiệm vụ trong công tác phối hợp thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng chống dịch COVID-19

1.1. Về thu gom, phân loại

a. Phân loại chất thải

- Tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, giặt là, vệ sinh môi trường đều được coi là chất thải lây nhiễm (sau đây gọi là chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2) và phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

- Những đám máu hoặc các chất tiết sinh học như chất nôn, phân có trên các bề mặt môi trường phải được loại bỏ ngay bằng cách lau bằng khăn hoặc gạc tẩm dung dịch khử khuẩn có chứa 0,5% Clo hoạt tính. Nếu lượng máu, chất tiết nhiều, phải thực hiện lau nhiều lần cho đến khi loại bỏ hoàn toàn trên bề mặt (Lưu ý: mỗi lần lau dùng một khăn). Tất cả các khăn/gạc sau khi lau phải được bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

- Phân, nước tiểu của người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 phải được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế để xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

- Dịch tiết đường hô hấp, dịch tiết cơ thể (đờm, dãi, dịch mũi họng, dịch phế quản, dịch dẫn lưu,…) của người bệnh phải được ngâm bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 1% Clo hoạt tính với tỷ lệ 1:1 trong thời gian ít nhất 10 phút, sau đó đổ vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế.

- Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (gồm: mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm của người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19) phát sinh từ quá trình lấy mẫu xét nghiệm, từ phòng xét nghiệm phải được xử lý sơ bộ bằng thiết bị hấp hoặc thiết bị khử khuẩn khác trước khi tiếp tục phân loại, thu gom, xử lý như chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV- 2 nêu trên.

b. Thu gom chất thải

- Trước khi thu gom, túi đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải có màu vàng, bên ngoài thùng có biểu tượng cảnh báo chất gây bệnh, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Thùng thu gom chất thải phải có thành cứng, có bánh xe đẩy, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” và được lưu giữ tạm thời tại khu vực cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19.

- Thu gom thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 từ nơi lưu giữ tạm thời về khu lưu giữ tập trung trong khuôn viên của cơ sở y tế ít nhất 2 lần/ngày hoặc khi cần; Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.

- Người thu gom chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 cần được trang bị đồ bảo hộ như: Quần áo phòng dịch (loại dùng 01 lần), găng tay cao su, dung dịch vệ sinh tay chứa cồn, khẩu trang, mặt nạ chống bắn giọt,…

1.2. Về vận chuyển, xử lý chất thải

- Vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 bằng một trong các biện pháp sau:

+ Tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ thùng chứa chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 trước khi chuyển lên phương tiện vận chuyển chuyên dụng.

[...]