Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 6149/KH-UBND năm 2019 về bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2020 trên địa bàn do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 6149/KH-UBND
Ngày ban hành 02/12/2019
Ngày có hiệu lực 02/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Mai Hùng Dũng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6149/KH-UBND

Bình Dương, ngày 02 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA THIẾT YẾU NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần bình ổn giá cả thị trường và thực hiện công tác an sinh xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA THIẾT YẾU NĂM 2019.

Ngày 26/11/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 5713/KH-UBND về Bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong đó, giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương phối hợp cùng các sở ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp tham gia bình ổn tổ chức dự trữ và triển khai hàng hóa thiết yếu gồm các mặt hàng:

- Lương thực (gạo, nếp); thực phẩm tươi sống (thịt heo, thịt bò, gia cầm, cá, trứng gà, trứng vịt, rau, củ, quả, ); thực phẩm chế biến (đường, sữa, dầu ăn, bột ngọt, nước chấm, bia, nước giải khát, bánh mứt, kẹo,....)

- Mặt hàng xăng dầu;

- Thuốc trị bệnh cho người (thuốc thông thường, sản xuất trong nước).

1. Kết quả đạt được.

Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp đã tham gia thực hiện bình ổn thị trường gồm: Chi nhánh Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh Co.op mart Bình Dương (Siêu thị Co.op mart I và II); Công ty TNHH EB Bình Dương (Siêu thị Big C Bình Dương và Dĩ An); Công ty TNHH TTTM Lotte Việt Nam (Siêu thị Lotte); Công ty TNHH Một thành viên Đông Hưng (Siêu thị Aeon Citi mart); Chi nhánh Công ty TNHH Mega Market Việt Nam tại Bình Dương (Siêu thị MM Mega Market); Công ty CP DV TM Tổng hợp Vincommerce (Siêu thị Vinmart Mỹ Phước và Dĩ An); Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP; Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch Bình Dương; Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Cửa hàng thực phẩm Vissan Bình Dương); Công ty TNHH Phạm Tôn; Công ty TNHH Ba Huân và Công ty Cổ phần chăn nuôi Cphần Việt Nam chi nhánh Bình Dương đã tổ chức dự trữ và bán hàng bình ổn thị trường theo đúng kế hoạch, ổn định được giá cả thị trường hàng hóa phong phú, đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt cho nhân dân, trong đó các doanh nghiệp tham gia bình ổn đã thực hiện bán hàng thiết yếu đạt doanh thu khoảng 2.286/2.074 tỷ đồng, vượt 10,2 % so với kế hoạch; trong đó, giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đạt doanh thu với doanh thu khoảng 1.422,6/1.263,5 tỷ, vượt 12,6% so với kế hoạch.

Ngoài việc tổ chức bán hàng bình ổn tại các siêu thị hiện hữu, các siêu thị như: Co.op mart, Aeon Citimart, Lotte, Vinmart còn thực hiện 38 điểm bán hàng lưu động tại các phiên chợ vui của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các xã nông thôn phía Bắc của tỉnh nhất là các khu đông dân cư tập trung, điểm liên xã trên địa bàn các huyện, thị xã: Thuận An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng với doanh thu gần 02 tỷ đồng.

Về mặt hàng xăng dầu: Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP và Công ty xăng dầu Sông Bé TNHH Một thành viên đảm bảo cung ứng xăng dầu cho tất cả các đại lý của công ty, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, khan hiếm hàng hóa.

Về mặt hàng thuốc trị bệnh cho người (sản xuất trong nước): Sở Y tế chủ trì phối hợp cùng các ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty Cổ phần Dược Becamex thực hiện bình ổn giá thuốc trị bệnh thông thường sản xuất trong nước đối với các nhà thuốc tại bệnh viện, trạm y tế xã của các huyện, thị xã, thành phố và gần 250 cửa hàng bán lẻ, giá bán các loại thuốc này theo quy định của Sở Y tế.

2. Những thuận lợi và khó khăn trong công tác bình ổn thị trường.

Các doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán sớm, do đó, lượng hàng hóa dồi dào, mặt hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến.

UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tạo điều kiện bố trí địa điểm bán hàng lưu động, các phiên chợ vui, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường. Đồng thời đã xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp các điểm bán hàng phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán tại chợ truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Các sở ngành có liên quan thường xuyên phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là việc niêm yết giá cả các mặt hàng bình ổn của các đơn vị tham gia.

Về mặt hàng xăng dầu: Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP và Công ty xăng dầu Sông Bé TNHH Một thành viên đảm bảo đủ lượng xăng dầu để cung ứng kịp thời cho các đại lý, không để xảy ra tình trạng khan hiếm giả tạo.

Nhìn chung, công tác phối hợp các sở ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các doanh nghiệp tham gia bình ổn đã triển khai Kế hoạch, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường năm 2019 đạt kết quả tốt.

Đã chủ động nắm tình hình giá cả thị trường, dự trữ hàng hóa sớm, cung ứng hàng hóa kịp thời, không để xảy ra tình trạng sốt giá ảo. Trong năm 2019, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định, không tăng giá, góp phần kiềm chế lạm phát, thực hiện công tác an sinh xã hội phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Tuy nhiên, công tác bình ổn thị trường còn một số khó khăn như sau:

- Các huyện phía Bắc của tỉnh như: Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên hiện chưa có siêu thị nên chưa có nơi dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường để phục vụ người dân tại chỗ. Nếu có trường hợp xảy ra biến động, khan hiếm hàng hóa thì việc điều động, vận chuyển hàng hóa từ các siêu thị hiện hữu đến các huyện để bình ổn thị trường sẽ mất thời gian.

- Mạng lưới bán hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường (siêu thị mini, cửa hàng tiệc ích) chưa được mở rộng đều khắp ở các huyện phía Bắc; việc tổ chức bán hàng lưu động riêng lẽ của các siêu thị chưa được thường xuyên, liên tục vì sức mua của người dân ở nông thôn còn thấp không bù đắp cho chi phí.

II. KẾ HOẠCH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA THIẾT YẾU NĂM 2020.

1. Mục tiêu.

Hàng hóa dự trữ để bình ổn thị trường phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mức dự trữ hàng hóa phải bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường của tỉnh đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, tránh tình trạng khan hiếm hàng giả tạo, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

[...]