Kế hoạch 6103/KH-UBND năm 2018 về thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 6103/KH-UBND
Ngày ban hành 15/08/2018
Ngày có hiệu lực 15/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Khước
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6103/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 15 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 76/NQ-CP NGÀY 18/6/2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Trong vòng 15 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã phải chịu nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm như bão, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, lốc, sét, rét đậm, rét hại, hạn hán… đặc biệt các loại hình thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng như: Đợt mưa đá, lốc xoáy tháng 11/2006; không khí lạnh gây mưa lớn, ngập úng cuối tháng 10/2008; bão gây mưa lớn, ngập úng các năm 2012, 2013, 2016, 2017 với tổng thiệt hại khoảng 2.450 tỷ đồng.

Để ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

- Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quan điểm chỉ đạo và các mục tiêu của Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai.

2. Yêu cầu

- Huy động mọi nguồn lực để chủ động phòng tránh, ứng phó có hiệu quả trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.

- Thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức, bộ máy phòng chống thiên tai

- Kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ban Chỉ huy PCTT và TKCN) các cấp; ban hành quy chế làm việc, tăng cường trách nhiệm cá nhân của các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN trong thực hiện nhiệm vụ được phân công.

- Kiện toàn tổ chức cơ quan phòng chống thiên tai các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong tình hình mới trên nguyên tắc không tăng thêm đầu mối và biên chế.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai các cấp từ cấp tỉnh đến xã theo hướng chuyên nghiệp, thường xuyên được đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.

2. Cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai

- Đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, hồ chứa nước; kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, các công trình phòng chống thiên tai; nâng cao khả năng tiêu thoát nước, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án chống ngập úng nội đồng, ngập úng đô thị.

- Đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; quản lý chặt chẽ quy hoạch phòng lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất nhất là sử dụng đất bãi sông để bảo vệ không gian thoát lũ. Nâng cao mức bảo đảm an toàn chống lũ cho hệ thống đê, hồ đập xung yếu.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, hỗ trợ ra quyết định phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trước hết là trung tâm chỉ đạo, điều hành cấp tỉnh theo hướng hiện đại hóa.

- Lắp đặt các trạm đo mưa, đo mực nước tự động; xây dựng hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng phòng, chống thiên tai.

3. Thông tin, truyền thông, đào tạo

- Đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai của Ban Chỉ huy phòng PCTT và TKCN cấp tỉnh.

- Phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai trong nhà trường, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở. Tổ chức tập huấn, truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai trên địa bàn.

4. Nguồn lực tài chính

Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, dự phòng ngân sách tỉnh cho phòng chống thiên tai; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh để sử dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

III. NHIỆM VỤ

1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020 (Kế hoạch số 539/KH-UBND ngày 20/01/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc).

[...]