Kế hoạch 60/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 60/KH-UBND
Ngày ban hành 25/02/2021
Ngày có hiệu lực 25/02/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phạm Thiện Nghĩa
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 25 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Công văn số 30/CV-UBATGTQG ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện hiệu quả mục tiêu Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2020.

- Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các hoạt động, để triển khai thực hiện Chiến lược theo từng giai đoạn; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các giải pháp của Chiến lược trên địa bàn Tỉnh.

2. Yêu cầu

Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược có trọng tâm, trọng điểm, có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu của Chiến lược; có lộ trình thực hiện và thời hạn hoàn thành, nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bám sát các nội dung của Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

II. MỤC TIÊU

1. Giai đoạn 2021 - 2030

a) Hàng năm, giảm 5 - 10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. Không để xảy ra ùn tắc giao thông.

b) Xây dựng, ban hành cơ chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông với các lực lượng khác. Hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý đối với lực lượng thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Đổi mới cơ chế hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý an toàn giao thông từ Tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tất cả 05 trụ cột về an toàn giao thông đường bộ (Quản lý nhà nước; Kết cấu hạ tầng; Phương tiện giao thông, Người tham gia giao thông; Ứng phó sau tai nạn giao thông) được ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

c) Đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải của Tỉnh đến năm 2030. Cải tạo, xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ; các tuyến đường bộ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo và khai thác được thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông theo qui định. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì đường bộ. Bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và chống tái lấn chiếm đối với các tuyến đường tỉnh và đường huyện; 100% khu vực cổng trường học nằm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các đường trục chính đô thị được tổ chức giao thông bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; đảm bảo các công trình xây dựng lớn khi kết nối trực tiếp ra đường đô thị, tỉnh lộ và đường huyện không gây gia tăng ùn tắc, tai nạn giao thông.

d) 100% hệ thống đường tỉnh, 50 - 80% hệ thống đường huyện được xây dựng và lắp đặt đầy đủ các công trình, trang thiết bị bảo đảm an toàn giao thông như: Trạm dừng nghỉ, đường cứu nạn, đường tránh đô thị, đặc biệt là làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp trên các tuyến đường đủ điều kiện; đảm bảo người lái xe không quá 04 giờ là được dừng nghỉ theo quy định. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn giao thông hiện đại, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, nghiên cứu về an toàn giao thông.

đ) Loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh không được tham gia giao thông; triển khai kiểm soát khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông.

e) Xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, trước hết là của người điều khiển phương tiện giao thông. Phát triển văn hóa giao thông trong cộng đồng; 100% các bậc học được giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; 100% người tham gia giao thông được phổ biến kiến thức, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho người lái xe; 100% lãnh đạo chính quyền các cấp được tuyên truyền, hiểu biết về an toàn giao thông, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

f) Triển khai áp dụng hệ thống quản lý đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo hướng hiện đại; tăng cường kiểm soát hoạt động kiểm định chất lượng xe cơ giới. Đầu tư nâng cấp, phát triển các trung tâm đăng kiểm, hệ thống đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe đạt tiêu chuẩn tương đương với các nước phát triển trên thế giới, hội nhập toàn diện theo Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ.

g) Xây dựng Trung tâm cấp cứu y tế 115 trên địa bàn Tỉnh; nâng cấp các bệnh viện đa khoa cấp huyện đảm bảo năng lực cấp cứu, khả năng tiếp cận nạn nhân tai nạn giao thông trong thời gian nhanh nhất kể từ khi nhận được thông tin yêu cầu cấp cứu. Dọc trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ có các trạm cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ, đảm bảo cấp cứu ban đầu khi có tai nạn giao thông xảy ra.

2. Tầm nhìn đến năm 2045

a) Giai đoạn 2031 - 2045, hàng năm kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ ở cả ba tiêu chí: về số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương; phấn đấu hướng đến mục tiêu sẽ không có người chết do tai nạn giao thông đường bộ. Hệ thống quản lý nhà nước về an toàn giao thông được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, ổn định từ tỉnh đến cơ sở.

b) Xây dựng hình ảnh văn hoá giao thông an toàn và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; tuyên truyền, vận động người dân hình thành thói quen tham gia giao thông bằng dịch vụ vận tải công cộng, đi bộ và đi xe đạp.

c) Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; cơ bản hoàn thành việc triển khai, áp dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực an toàn giao thông.

d) Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu về an toàn giao thông. Tiếp tục xóa bỏ các điểm đen tai nạn giao thông; điểm, vị trí có nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường bộ. Nâng cao năng lực quản lý, bảo trì, đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Duy trì, bảo vệ hệ thống hành lang an toàn giao thông đường bộ bảo đảm an toàn giao thông. Phát triển hệ thống giao thông cho người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em tại các trung tâm đô thị của Tỉnh.

đ) Nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển. Từng bước hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

e) Các trạm cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ dọc trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được hiện đại hóa và giảm thời gian tiếp cận nạn nhân.

III. NHIỆM VỤ

Chủ động ứng dụng và phát triển các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để thực hiện đồng bộ 05 trụ cột về an toàn giao thông đường bộ, gồm:

[...]