Kế hoạch 59/KH-UBND năm 2017 thực hiện "Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017-2021" trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 59/KH-UBND
Ngày ban hành 20/03/2017
Ngày có hiệu lực 20/03/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Phương
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 03 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA KHỐNG CHẾ VÀ TIẾN TỚI LOẠI TRỪ BỆNH DẠI, GIAI ĐOẠN 2017 - 2021” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ Tướng Chính Phủ về việc phê duyệt "Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017 - 2021", trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 298/TTr-SNNPTNT ngày 13/3/2017; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện "Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017 - 2021" trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Khống chế bệnh dại trên đàn chó nuôi và trên người nhằm loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Mục tiêu cụ thể:

- 100% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó và quản lý được đàn chó nuôi.

- Tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó nuôi hàng năm đạt trên 85% so với tổng đàn.

- Không có ca bệnh Dại trên chó và người.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Quản lý đàn chó nuôi: Tổ chức quản lý chó nuôi bằng việc lập danh sách hộ nuôi chó, thống kê số lượng chó nuôi trong từng hộ gia đình, nắm diễn biến tăng giảm đàn chó nhằm hỗ trợ cho công tác tiêm phòng vắc-xin dại và công tác giám sát bệnh dại.

Chủ nuôi chó thông báo việc nuôi chó với tổ trưởng dân phố, thôn trưởng đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình.

Tổ trưởng dân phố, thôn trưởng lập danh sách hộ nuôi, số lượng chó nuôi báo cáo UBND cấp xã trước mỗi đợt tiêm phòng (tháng 3 hàng năm ) và báo cáo đột xuất khi có biến động về số hộ nuôi, tổng đàn chó.

2. Tiêm phòng vắc-xin dại: UBND cấp huyện, cấp xã triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó vào tháng tư hàng năm; huy động các nguồn lực, lực lượng tại chỗ tổ chức tiêm đại trà, tập trung trong thời gian ngắn để tạo miễn dịch quần thể tốt cho đàn chó; tổ chức tiêm phòng bổ sung quanh năm cho chó mới sinh, chó mới nhập đàn để tạo miễn dịch khép kín; có giải pháp xử lý đối với những hộ không chấp hành tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho đàn chó.

Cơ quan Thú y tỉnh, huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng cho cán bộ thú y cơ sở tham gia tiêm phòng.

3. Tuyên truyền: UBND cấp huyện, xã, các Sở, Ban ngành liên quan tổ chức tuyên truyền thường xuyên trong năm, đặc biệt vào các đợt cao điểm như chiến dịch tiêm phòng (tháng 4 hàng năm ) và những lúc nguy cơ phát bệnh dịch cao.

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: phát các thông điệp về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh, những kiến cơ bản về bệnh dại; mục đích của công tác quản lý chó nuôi, những điển hình trong công tác tiêm phòng bệnh dại, mô hình an toàn về bệnh dại, quảng bá về ngày thế giới phòng bệnh dại...

- Tuyên truyền thông qua tờ rơi về biện pháp phòng, chống bệnh dại cấp phát cho mọi người dân và các chủ hộ nuôi chó, mèo.

- Tuyên tuyền lưu động bằng ô tô, xe máy, loa tay để phát các thông điệp về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng bệnh.

4. Giám sát bệnh dại: Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ để nâng cao kỹ năng giám sát, thu thập thông tin dịch tễ về bệnh dại ở người và động vật. Tổ chức thu thập, xét nghiệm mẫu để đánh giá lưu hành bệnh dại. Hàng năm, lập bản đồ phân bố đàn chó, bản đồ dịch tễ bệnh dại nhằm xác định khu vực có nguy cơ cao để ưu tiên tập trung các nguồn lực trong công tác phòng chống. Tăng cường giám sát phát hiện bệnh dại với sự tham gia của cộng đồng dân cư.

5. Điều tra và xử lý ổ dịch: Điều tra, xử lý các ổ dịch bệnh dại trên người và động vật (nếu có) theo hướng tiếp cận một sức khỏe, có sự phối hợp của ngành Thú y và Y tế. UBND cấp xã thành lập tổ, đội bắt chó có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ bệnh dại và chó thả rông trong vùng có ổ dịch dại để xử lý.

6. Nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dại: Nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm cho Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật bảo đảm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống bệnh dại.

7. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển chó: Tăng cường kiểm dịch vận chuyển chó trong nước và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển chó bất hợp pháp theo quy định của pháp luật về thú y.

8. Nâng cao năng lực chuyên môn trong phòng, chống bệnh dại: Tổ chức tập huấn cho cán bộ về năng lực quản lý đàn chó; điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh Dại; kỹ năng truyền thông về bệnh dại; kỹ thuật xử lý các vết thương do động vật cào, cắn; quy trình điều trị dự phòng sau phơi nhiễm; kỹ năng bắt chó mắc bệnh dại và các biện pháp xử lý ổ dịch bệnh dại động vật.

9. Xây dựng vùng an toàn bệnh dại: Khuyến khích các xã, phường, thị trấn đặc biệt ở nội thành, các đô thị, nơi đông khách du lịch tiến hành xây dựng vùng, cơ sở an toàn bệnh dại theo Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và du khách tới du lịch, tham quan.

III. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH

Thực hiện theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/2/2017 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021”, cụ thể:

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ