Chỉ thị 24/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành
Số hiệu | 24/CT-UBND |
Ngày ban hành | 20/07/2016 |
Ngày có hiệu lực | 20/07/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký | Nguyễn Đức Quyền |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/CT-UBND |
Thanh Hóa, ngày 20 tháng 7 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN ĐỘNG VẬT
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2016 đến nay, tình hình bệnh Dại động vật trong cả nước diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương và đã có nhiều người tử vong do bệnh Dại; chỉ tính riêng 06 tháng đầu năm 2016 cả nước có 78 người bị tử vong do bệnh Dại, số người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng là 101.072 người, gây thiệt hại trực tiếp khoảng 400 tỷ đồng. Ở tỉnh ta, từ đầu năm đến nay, bệnh Dại đã xuất hiện tại 03 xã của các huyện: Như Xuân, Lang Chánh, Đông Sơn làm 03 người bị tử vong và 07 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng tích cực.
Nguyên nhân chủ yếu xảy ra bệnh Dại là do đàn chó nuôi không được tiêm phòng bệnh Dại triệt để, nhiều nơi tiêm phòng đạt tỷ lệ rất thấp, đặc biệt là các huyện: Thường Xuân, Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước trong nhiều năm qua kết quả tiêm phòng bệnh Dại đạt rất thấp; công tác quản lý chó nuôi bị buông lỏng, nhiều xã không thống kê đàn chó, không có danh sách hộ nuôi chó; hiện tượng chó nuôi thả rông không được quản lý vẫn còn phổ biến dẫn đến nhiều người bị chó cắn; nhiều người bị chó cắn không đến các cơ sở y tế để tiêm phòng, bị phát bệnh Dại và tử vong. Trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng là thời điểm nguy cơ bệnh Dại bùng phát lây lan ra diện rộng là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn có hiệu quả bệnh Dại bùng phát trên địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất số người tử vong do bệnh Dại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an sinh xã hội. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp khắc phục các tồn tại trên; đồng thời tập trung thực hiện ngay các biện pháp sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống bệnh Dại quy định tại Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ; Công văn số 5635/BNN-TY ngày 01/7/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh Dại trên động vật; Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 02/11/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2016; đồng thời xây dựng Kế hoạch phòng chống bệnh Dại trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố bằng nguồn Ngân sách địa phương và bố trí kinh phí hỗ trợ tiêm phòng, điều trị dự phòng (trong trường hợp bị chó cắn) cho những người trực tiếp tham gia phòng, chống bệnh Dại.
- Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết chó nghi mắc bệnh Dại, các biện pháp phòng chống bệnh Dại một cách có hiệu quả. Đặc biệt tuyên truyền nhân dân giám sát, phát hiện và báo cho chính quyền, cơ quan thú y các trường hợp chó, mèo, động vật khác nghi mắc bệnh Dại để xử lý; hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho người, ngăn ngừa tử vong do chó dại cắn.
- Phân công lực lượng tăng cường giám sát đến tận thôn, bản để phát hiện sớm bệnh Dại trên động vật, có biện pháp xử lý, ngăn chặn và khống chế dịch bệnh kịp thời; tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, buôn bán chó, mèo theo đúng quy định; nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ chó, mèo nghi mắc bệnh Dại và ốm, chết không rõ nguyên nhân.
- Rà soát, thống kê số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn; chỉ đạo chính quyền thôn, bản lập danh sách hộ nuôi chó, mèo và số lượng chó, mèo trong từng hộ; rà soát và tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo bảo đảm mỗi con được tiêm phòng 01 lần trong năm và phải tiêm đạt tỷ lệ chỉ tiêu kế hoạch được giao trên tổng đàn chó thực tế theo Kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó mèo nuôi triệt để phải đạt 100% diện tiêm; đặc biệt, đối với các huyện có kết quả tiêm phòng vắc xin Dại thấp như các huyện Như Xuân, Thường Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước phải tập trung cao điểm để tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại bắt buộc cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn; đối với các trường hợp cố tình không thực hiện việc tiêm phòng phải tổ chức tiêu diệt và xử lý nghiêm theo Pháp luật. Trong thời gian tới, đơn vị nào tổ chức tiêm phòng bệnh Dại đạt kết quả thấp, để xảy ra bệnh Dại gây thương vong sang người, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý đàn chó nuôi, bắt giữ, xử lý đối với chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị theo quy định tại Nghị định số 05/2007/NĐ-CP và xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP và Nghị định số 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Yêu cầu chủ vật nuôi cam kết không thả rông chó; chó phải đeo rọ mõm hoặc xích và có người dắt đưa ra nơi công cộng; thực hiện đầy đủ lịch tiêm phòng vắc xin Dại của địa phương.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dại tại các huyện, thị xã, thành phố; thành lập ngay các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng chống bệnh Dại và đặc biệt là công tác tiêm phòng bệnh Dại tại các huyện có kết quả tiêm phòng thấp nêu trên, để đảm bảo công tác tiêm phòng đạt kết quả cao nhất; báo cáo kết quả thực hiện và có biện pháp đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo các đơn vị thực hiện.
- Chỉ đạo Chi cục Thú y:
+ Phân công cán bộ chuyên môn tăng cường giám sát dịch bệnh, phát hiện dịch bệnh sớm, có các biện pháp cụ thể tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
+ Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Dại ở chó, mèo; khi phát hiện có chó mèo nghi mắc bệnh Dại, tiến hành kiểm tra xác minh và cùng chính quyền cơ sở xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan rộng; đồng thời thông báo cho cơ quan liên quan để phối hợp biện pháp phòng bệnh Dại.
+ Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc ngành Y tế và các cơ quan liên quan trong công tác thông tin và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dại ở động vật.
+ Thực hiện kiểm dịch vận chuyển lưu thông chó, mèo trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
+ Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc xin, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch, để đáp ứng đủ yêu cầu trong mọi tình huống dịch bệnh xảy ra.
3. Sở Y tế
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế phối hợp với cơ quan thú y, chính quyền, đoàn thể ở xã tăng cường giám sát bệnh Dại tại cộng đồng; duy trì và tăng cường các điểm tư vấn, tiêm vắc xin phòng bệnh Dại, tổ chức tốt việc tiêm vắc xin phòng Dại cho nhân dân khi bị chó, mèo cắn. Công khai địa chỉ các cơ sở y tế và hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý, ngăn ngừa tử vong do bệnh Dại.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dại. Xây dựng, cung cấp và phổ biến rộng rãi các nội dung, thông điệp tuyên truyền, giáo dục về phòng chống bệnh Dại ở người.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dại tại các xã.
4. Các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng được phân công, chủ động, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng, phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và PTNT, ngành Y tế tuyên truyền vận động đến người dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn.
6. Đề nghị các đồng chí Bí thư Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các nội dung trên.
Trong tình hình hiện nay, công tác phòng, chống bệnh Dại là nhiệm vụ cấp bách. Yêu cầu các sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt các nội dung nêu trên. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT đôn đốc, theo dõi, thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.