Kế hoạch 58/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 124/2021/NQ-HĐND quy định về xử lý các cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001 có hiệu lực

Số hiệu 58/KH-UBND
Ngày ban hành 28/03/2022
Ngày có hiệu lực 28/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 28 tháng 03 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 124/2021/NQ-HĐND NGÀY 10/12/2021 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUY ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ CÁC CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH KHÔNG ĐẢM BẢO YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐƯỢC ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC NGÀY LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY NGÀY 29/6/2001 CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện Nghị quyết số 124/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001 có hiệu lực (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 124/2021/NQ-HĐND), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 124/2021/NQ-HĐND nhằm khắc phục những tồn tại, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001 có hiệu lực; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ; hạn chế thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ sở đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

2. Yêu cầu

- Rà soát, đánh giá đúng, đầy đủ và xử lý triệt để các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001 có hiệu lực.

- Việc triển khai thực hiện phải bảo đảm thống nhất, đúng quy định, đúng thời hạn; các biện pháp, giải pháp áp dụng phải bảo đảm hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra và phù hợp với thực tế; bảo đảm điều kiện, môi trường an toàn cho cơ quan, đơn vị, tổ chức ổn định hoạt động.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; Nghị quyết số 124/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các đối tượng chịu sự tác động của Nghị quyết.

2. Tổ chức kiểm tra, rà soát, khảo sát, bổ sung, thống kê, đánh giá những nội dung không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy; đề xuất thực hiện các giải pháp khắc phục theo quy định.

3. Phân loại đối tượng điều chỉnh theo ngành, lĩnh vực thuộc các sở, ban, ngành quản lý; xác định nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước theo từng cấp và ngoài ngân sách nhà nước.

4. Triển khai tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp quy định việc xử lý đối với loại hình cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001 có hiệu lực.

5. Xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở không tổ chức khắc phục những tồn tại, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Nghị quyết số 124/2021/NQ-HĐND và Kế hoạch này

III. THỜI GIAN, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Chi tiết có Phụ lục 1 kèm theo.

IV. CHỈ TIÊU THỰC HIỆN

Chi tiết có Phụ lục 2 kèm theo.

V. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, các cơ quan thông tin, truyền thông từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung Nghị quyết số 124/2021/NQ-HĐND và Kế hoạch này.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiến hành tổng rà soát, kiểm tra, khảo sát, đánh giá các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001 có hiệu lực; tổng hợp phương án xử lý, kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Nghị quyết số 124/2021/NQ-HĐND.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở, công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy chuẩn bị hồ sơ đề nghị thẩm duyệt; tiến hành thẩm duyệt đối với các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy khi được yêu cầu.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở tổ chức thi công, cải tạo, sửa chữa các hạng mục theo đúng thiết kế đã được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; hoàn thiện hồ sơ, tiến hành nghiệm thu để đưa vào hoạt động theo đúng quy định.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá, lập dự trù kinh phí đối với các cơ sở còn tồn tại về trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy đảm bảo theo đúng quy định của Tiêu chuẩn 3890:2009 về phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình; tổ chức trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát và xác nhận việc khắc phục những nội dung không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở.

[...]