Kế hoạch 58/KH-UBND về hành động quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2022

Số hiệu 58/KH-UBND
Ngày ban hành 30/03/2022
Ngày có hiệu lực 30/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Hùng Nam
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 30 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP VÀ CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2022

Căn cứ các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 1099/QĐ-BNN-QLCL ngày 25/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022; Công văn số 1525/BNN-QLCL ngày 15/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện Kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022;

Căn cứ Quyết định số 29/2019/QĐ-UBND ngày 22/8/2019 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc ban hành quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông lâm thủy sản tỉnh đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong tỉnh, ngoài tỉnh và thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan; đồng thời, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp, các ngành, tạo bước chuyển đổi tích cực trong việc kiểm soát điều kiện, chất lượng thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm đảm bảo mục tiêu chung của toàn ngành nông nghiệp về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), ATTP được tuyên truyền phổ biến và áp dụng và được tham gia ý kiến đóng góp khi có yêu cầu.

- 100% nhiệm vụ kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật về truyền thông, quảng bá chất lượng VTNN, ATTP được thực hiện.

- Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP tăng 10%/năm so với năm 2021.

- Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 85% so với 82% năm 2021;

- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B đối với cơ sở thuộc tỉnh quản lý đạt 98%; thuộc huyện, thị xã, thành phố quản lý đạt 97% so với năm 2021.

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm giám sát, mẫu hậu kiểm bị vi phạm về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, phụ gia thực phẩm... giảm 10% so với năm 2021; tiếp tục kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt và sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

- Tổ chức 2-3 lớp tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ công chức xã về nghiệp vụ chuyên môn; từ 5-7 lớp bồi dưỡng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

1. Tiếp tục gắn kết chặt chẽ việc chỉ đạo chặt chẽ công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP lĩnh vực Nông nghiệp với các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất gắn liền với chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid còn tiếp diễn.

2. Tích cực triển khai các Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo ATTP. Đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các VTNN không đảm bảo chất lượng, an toàn khỏi danh mục được phép sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

3. Triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp với Mặt trận tổ quốc; Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025 giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chương trình phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành khác.

4. Nhân rộng, mở rộng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, VietGAHP, theo hướng hữu cơ, GMP, HACCP...); thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn

5. Gia tăng số lượng và đa dạng thông tin, tuyên truyền vận động cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ pháp luật ATTP; phối hợp với Báo, Đài phổ biến pháp luật, thông tin quản lý chất lượng VTNN, đảm bảo ATTP; biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn đồng thời có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

6. Tiếp tục thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 và Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để quản lý tổng thể, toàn diện điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn; Tăng cường phối hợp với các tỉnh trong quản lý ATTP, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn lưu thông trong và ngoài tỉnh; chuyển mạnh sang hậu kiểm, thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, ATTP.

7. Tiếp tục triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản, sản phẩm thực phẩm thuộc ngành Nông nghiệp quản lý; kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, tổ chức thanh tra đột xuất, xử phạt nghiêm vi phạm. Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn.

8. Tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm về điều kiện, chất lượng sản phẩm thực phẩm không đảm bảo.

9. Chủ động xử lý các sự cố mất ATTP. Các sở, ngành phối hợp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, thủy sản trong bối cảnh Covid-19.

10. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý chất lượng VTNN, ATTP kỹ năng trong tuyên truyền phổ biến pháp luật; trong giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm theo quy định.

[...]