Kế hoạch 577/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Quyết định 418/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 577/KH-UBND
Ngày ban hành 19/03/2020
Ngày có hiệu lực 19/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Võ Ngọc Thành
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 577/KH-UBND

Gia Lai, ngày 19 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 418/QĐ-TTG NGÀY 16/4/2019 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “CÁC GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRONG TÌNH HÌNH MỚI” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 16/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới” (viết tắt là Quyết định số 418/QĐ-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; triển khai đồng bộ các giải pháp và tăng cường phối hợp giữa chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.

2. Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với chủ phương tiện thủy nội địa, người tham gia giao thông và người dân sinh sống dọc các tuyến sông, suối, lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.

3. Tăng cường điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy nội địa, góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

4. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, đồng thời tăng cường huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.

5. Mục tiêu phấn đấu cụ thể đến năm 2030

a) Đối với kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa:

Đầu tư, xây dựng các bến đò, cầu, đường dân sinh bảo đảm nhu cầu đi lại thuận tiện, an toàn của người dân; đầu tư xây dựng cầu, đường dân sinh khắc phục tình trạng chia cắt giao thông tại các khu vực vùng sâu, vùng xa dẫn đến phát sinh bến đò ngang và các hoạt động giao thông đường thủy tự phát.

b) Đối với phương tiện thủy:

- 100% phương tiện thủy nội địa được đăng kiểm, đăng ký theo quy định;

- 100% phương tiện thủy chở khách ngang sông được trang bị đầy đủ áo phao và dụng cụ nổi cầm tay cho hành khách trên phương tiện theo quy định.

c) Đối với thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, người tham gia giao thông đường thủy nội địa:

- 100% thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định;

- 100% người tham gia giao thông đường thủy nội địa, chủ bến thủy nội địa, chủ phương tiện, người lái phương tiện và người dân sinh sống dọc các tuyến đường thủy nội địa được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa;

- 100% học sinh, sinh viên thường xuyên đi học bằng phương tiện thủy được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và được trang bị các kỹ năng cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quy hoạch về đường thủy nội địa

a) Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường thủy nội địa. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng quy định về quản lý hoạt động của bến khách ngang sông, công tác quản lý liên quan đến đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.

b) Xây dựng phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong quy hoạch tỉnh trên cơ sở quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch.

2. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

a) Về luồng, tuyến:

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất Bộ Giao thông vận tải công bố tuyến đường thủy nội địa đối với các tuyến đủ điều kiện, bổ sung vào quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa;

- Phối hợp rà soát các tuyến đường thủy nội địa địa phương làm cơ sở cho công tác quản lý và bảo đảm các điều kiện an toàn giao thông theo quy định.

b) Đối với bến khách ngang sông:

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các bến khách ngang sông, nhất là ở khu vực nơi có điều kiện kinh tế khó khăn; xây dựng cầu, đường dân sinh bảo đảm nhu cầu đi lại thuận tiện, an toàn của nhân dân.

[...]