Kế hoạch 5753/KH-UBND năm 2021 về thẩm định Đề án vị trí việc làm (khối tổ chức hành chính) của các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 5753/KH-UBND
Ngày ban hành 31/08/2021
Ngày có hiệu lực 31/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Trí Thanh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5753/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 31 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THẨM ĐỊNH ĐỀ ÁN VỊ TRÍ VIỆC LÀM (KHỐI TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH) CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, UBND CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ

Thực hiện Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thẩm định Đề án vị trí việc làm (khối tổ chức hành chính) của các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Rà soát, đánh giá thực trạng về tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức và xác định từng vị trí gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là cơ quan, đơn vị, địa phương); làm cơ sở để điều chỉnh, hoàn thiện việc xác định vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả chức năng nhiệm vụ được giao, khắc phục tình trạng thừa thiếu nhân lực, đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

2. Yêu cầu

a) Vị trí việc làm được xác định, xây dựng, thẩm định và trình phê duyệt phải bảo đảm các nguyên tắc:

- Tuân thủ các quy định của Đảng, của pháp luật về vị trí việc làm, quản lý, sử dụng biên chế công chức;

- Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức;

- Bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức với sử dụng và quản lý biên chế công chức;

- Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn;

- Gắn tinh giản biên chế với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong các cơ quan, tổ chức.

b) Các Sở, Ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm theo quy định; lập thủ tục trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt để làm cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, công chức của tỉnh.

c) Hội đồng thẩm định giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thẩm định Đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo khoa học, hiệu quả, đúng mục đích, yêu cầu đề ra.

II. HỒ SƠ VÀ THÀNH PHẦN THẨM ĐỊNH

1. Hồ sơ trình thẩm định Đề án

a) Tờ trình đề nghị.

b) Đề án vị trí việc làm và Báo cáo tóm tắt Đề án vị trí việc làm.

c) Bản sao các Quyết định về giao biên chế, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị, địa phương; về thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ và giao biên chế của các tổ chức hành chính thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương.

d) Các văn bản khác có liên quan đến việc xây dựng Đề án của cơ quan, đơn vị, địa phương; trường hợp Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh phải có ý kiến bằng văn bản của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh.

2. Thành phần thẩm định

a) Hội đồng thẩm định

Hội đồng thẩm định Đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, địa phương được thành lập theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh (theo cơ cấu Hội đồng thẩm định sẽ do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là Chủ tịch Hội đồng, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Chủ tịch Hội đồng và đồng thời là Tổ trưởng các Tổ thẩm định).

Riêng trường hợp thẩm định Đề án vị trí việc làm của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh có mời đại diện lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND tỉnh tham gia thẩm định.

b) Cơ quan, đơn vị, địa phương được thẩm định Đề án

- Đối với các Sở, Ban, ngành: Ban Giám đốc, Chánh Văn phòng (hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ) và chuyên viên phụ trách việc xây dựng đề án của cơ quan, đơn vị, địa phương;

- Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND, Trưởng phòng Nội vụ, lãnh đạo các phòng chuyên môn liên quan và chuyên viên phụ trách việc xây dựng đề án.

[...]