Kế hoạch 573/KH-UBND năm 2023 triển khai nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2023-2030

Số hiệu 573/KH-UBND
Ngày ban hành 07/09/2023
Ngày có hiệu lực 07/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Lê Trọng Yên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 573/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 07 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NHẰM TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM CÓ NGUỒN GỐC ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG, GIAI ĐOẠN 2023-2030

Thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030; UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu, kiểm soát tốt dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm góp phần thực hiện bảo vệ sức khỏe nhân dân và môi trường sinh thái.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng, buôn bán thuốc thú y theo quy định của pháp luật.

Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chuyên ngành thú y các cấp nhằm góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh lây truyền giữa động vật và người, giai đoạn 2023-2030:

- Củng cố, tăng cường năng lực và hoạt động có hiệu quả hệ thống giám sát dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện sớm ổ dịch, phân tích dịch tễ, dự báo, cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật.

- Xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng được 01 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Lở mồm long móng và 01 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm theo quy định của Việt Nam.

b) Về tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, giai đoạn 2023-2030:

- Tham gia xây dựng và trình ban hành quy định về trạm kiểm dịch đầu mối giao thông.

- Rà soát, đầu tư, nâng cấp Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông báo đảm đúng quy định của pháp luật.

- 100% động vật đưa vào cơ sở giết mổ tập trung được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ.

- Hàng năm, bố trí kinh phí triển khai kế hoạch về giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

c) Về nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vắc xin thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, giai đoạn 2023-2030: Hàng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc thú y theo quy định của pháp luật.

d) Về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y, giai đoạn 2023-2030: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản; công tác kiểm dịch động vật; công tác quản lý thuốc thú y; công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

(Cụ thể tại phụ lục kèm theo)

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn vốn thực hiện Kế hoạch này gồm: Ngân sách Trung ương hỗ trợ; ngân sách địa phương theo phân cấp; kinh phí do doanh nghiệp, chủ cơ sở chăn nuôi tự đảm bảo, kinh phí lồng ghép với các đề án, chương trình khác do Trung ương, địa phương đang triển khai trên địa bàn tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch này. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ được phân công đạt chỉ tiêu đề ra.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông của Trung ương, của tỉnh tuyên truyền nội dung của Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.

[...]