Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 570/KH-UBND năm 2021 triển khai Quyết định 1246/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh An Giang ban hanh

Số hiệu 570/KH-UBND
Ngày ban hành 23/09/2021
Ngày có hiệu lực 23/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Phước
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 570/KH-UBND

An Giang, ngày 23 tháng 9 năm 2021

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1246/QĐ-TTg NGÀY 19 THÁNG 7 NĂM 2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KIẾN TRÚC VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Tổ chức phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện có hiệu quả “Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh An Giang; Phát triển các công trình kiến trúc trên địa bàn tỉnh hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới; tạo lập môi trường sống bền vững; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng; phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động kiến trúc nhằm huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển kiến trúc; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm phát triển các công trình kiến trúc trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

Phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tới các Sở, ngành có liên quan, các địa phương, tổ chức xã hội nghề nghiệp về thực hiện “Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” hiệu quả, bền vững và đảm bảo công tác quản lý trong lĩnh vực kiến trúc.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2025, phấn đấu các đô thị trên địa bàn tỉnh An Giang hoàn thành xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc; đến năm 2030 cơ bản hoàn thành Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn.

- Bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống; phấn đấu đến năm 2025, các địa phương hoàn thành việc xây dựng Danh mục công trình kiến trúc có giá trị.

- Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc, đến năm 2030 hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc trên địa bàn tỉnh An Giang; số hóa các công trình kiến trúc có giá trị.

- Các công trình kiến trúc đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; có giải pháp phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tuyên truyền, truyền thông về kiến trúc nhằm nâng cao nhận thức thẩm mỹ kiến trúc của cộng đồng; đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động kiến trúc.

2. Định hướng phát triển kiến trúc:

a) Đối với khu vực đô thị:

- Phát triển kiến trúc đối với mỗi đô thị phải đảm bảo giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học, kỹ thuật.

- Đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc; đảm bảo kết hợp hài hòa giữa quá khứ với hiện tại; có dự báo hợp lý trong tương lai, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

b) Đối với khu vực nông thôn:

- Phát triển kiến trúc tại nông thôn cần đề cao sự tham gia của cộng đồng; chú trọng bảo vệ di sản kiến trúc, thiên nhiên; bổ sung những chức năng còn thiếu, kết hợp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán riêng biệt của mỗi địa phương; phù hợp với đặc điểm thiên nhiên, con người, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Khuyến khích phát triển các công trình kiến trúc có tính kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp với khung cảnh thiên nhiên và điều kiện khí hậu của từng địa phương.

c) Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc:

- Trên nền tảng bảo tồn các di sản kiến trúc cùng các giá trị cốt lõi tạo lập nên bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Sự kết nối hữu cơ giữa các di sản với tổng thể kiến trúc của một khu vực trong đô thị, nông thôn cần được đảm bảo xuyên suốt trong quá trình phát triển kiến trúc.

- Bản sắc văn hóa trong kiến trúc phải được bảo tồn, phát huy phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, đặc điểm địa lý; phản ánh mối quan hệ với nền kiến trúc hiện đại, ứng dụng những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật; gắn kết khả năng công nghệ, vật liệu, kinh tế của từng địa phương.

[...]