Kế hoạch 57/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 57/KH-UBND
Ngày ban hành 14/03/2024
Ngày có hiệu lực 14/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 14 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 266/QĐ-BYT ngày 02/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH Ở NGƯỜI NĂM 2023 VÀ NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH NĂM 2024

I. TÌNH HÌNH CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2023

Năm 2023, mặc dù ghi nhận sự giảm mạnh ca mắc và tử vong do COVID-19, nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Bệnh cúm gia cầm ghi nhận ở nhiều quốc gia, trong đó đã xuất hiện tại 02 nước láng giềng là Campuchia và Trung Quốc, đặc biệt Trung Quốc đã phát hiện nhiều chủng cúm gia cầm khác như Cúm: A/H5N6, A/H3N8, A/H7N4 trên người. Nhiều quốc gia ghi nhận các đợt bùng phát dịch bệnh: Cúm mùa, Đậu mùa khỉ, Sốt xuất huyết Dengue, Sởi, Tả…

Tại Việt Nam, năm 2023 toàn quốc ghi nhận hơn 99 nghìn trường hợp mắc COVID-19, tử vong 20 trường hợp (giảm 82,4 lần so với cùng kỳ năm 2022); từ ngày 20/10/2023 bệnh COVID-19 được điều chỉnh từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B; dịch Sốt xuất huyết bùng phát với hơn 166.000 trường hợp mắc và 42 trường hợp tử vong; ghi nhận quay lại dịch Bạch hầu ở một số tỉnh phía Bắc (Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên); các dịch bệnh khác như Dại, Tay chân miệng, Sởi… có xu hướng gia tăng.

Tại tỉnh Lạng Sơn, số ca mắc COVID-19 ghi nhận 1.393 ca (giảm 99,1% so với năm 2022)[1]; tử vong: 0; một số bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng so với năm 2022 như: sốt xuất huyết, bệnh Liên cầu lợn ở người, Rubella, Tay chân miệng[2]; các bệnh truyền nhiễm có số mắc giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ năm 2022 như: Cúm, Lỵ trực trùng, Viêm gan vi rút khác[3]. Các bệnh truyền nhiễm không ghi nhận ca mắc, gồm: nhóm các bệnh truyền nhiễm thuộc tiêm chủng mở rộng (gồm: Sởi, Bại liệt, Bạch hầu, Uốn ván sơ sinh), nhóm các bệnh khác (gồm: Sốt rét, Thương hàn, Viêm não vi rút khác, cúm A/H5N1…). Cơ bản các bệnh truyền nhiễm đã được kiểm soát tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, không có tử vong do mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH Ở NGƯỜI NĂM 2024

Dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam dự báo vẫn diễn biến khó lường trong thời gian tới và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới[4], các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi. Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, cùng với bối cảnh toàn cầu hoá, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh (từ các bệnh dịch lưu hành như Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Sởi...; các bệnh dự phòng bằng vắc xin như Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván... đến các bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập từ nước ngoài như Đậu mùa khỉ...).

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi và biên giới, có hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt thuận lợi; là đầu mối giao lưu văn hoá, thương mại và du lịch, các dịch bệnh thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh hoặc có nguy cơ xâm nhập (như Sốt xuất huyết Dengue, Cúm A H5N1, Đậu mùa khỉ…); bên cạnh đó, tình hình một số bệnh truyền nhiễm thuộc tiêm chủng mở rộng có xu hướng quay trở lại ở một số tỉnh, thành phố do thiếu vắc xin trong thời gian qua (như Sởi, Viêm não Nhật Bản, Ho gà, Uốn ván sơ sinh). Do vậy cần phải tích cực, chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên phạm vi toàn tỉnh nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây nên.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2024

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Duy trì hiệu quả hoạt động giám sát từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không để lây lan diện rộng.

- Theo dõi sát diễn biến mới của dịch bệnh, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, có biện pháp ứng phó kịp thời, linh động, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Chính phủ.

- Bảo đảm công tác phân tuyến điều trị giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối; thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp nặng, tử vong, biến chứng.

- Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.

- Bảo đảm kinh phí, thuốc, vật tư y tế, hóa chất, trang thiết bị, nguồn lực sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại các tuyến theo phương châm “Bốn tại chỗ: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

- Tăng cường phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch tại các địa bàn.

- Nâng cao năng lực dự báo, đáp ứng dịch bệnh cho nhân viên y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở.

3. Một số chỉ tiêu chính

- 100% bệnh, dịch truyền nhiễm mới phát sinh và các ổ dịch được phát hiện sớm, báo cáo và khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để bùng phát trong cộng đồng:

+ Các bệnh Ebola, MERS-CoV, Đậu mùa khỉ, Cúm A/H7N9: hạn chế tối đa xâm nhập; các ca bệnh được phát hiện sớm, báo cáo và khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng, cơ sở y tế.

[...]