Kế hoạch 560/KH-UBND thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 560/KH-UBND
Ngày ban hành 08/12/2023
Ngày có hiệu lực 08/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Trần Báu Hà
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 560/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM CÂN ĐỐI CUNG CẦU, BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG CUỐI NĂM 2023 VÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN NĂM 2024

Trên cơ sở Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 của Bộ Công Thương về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; xét đề nghị của Sở Công Thương tại Văn bản số 2281/SCT-QLTM ngày 29/11/2023 (sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, góp phần thực hiện an sinh xã hội gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Chủ động nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn để có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá trên địa bàn, không để xẩy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

- Các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ, điều tiết hàng hóa phục vụ người tiêu dùng.

II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG VÀ KHẢ NĂNG CUNG ỨNG HÀNG HÓA CUỐI NĂM 2023 VÀ DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN 2024

1. Dự báo tình hình và khả năng cung cấp hàng hóa:

- Năm 2023, kinh tế trong nước mặc dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ các vấn đề bất ổn lớn về kinh tế, chính trị trên thế giới. Hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Trước tình hình kinh tế khó khăn trong nước và thế giới, hoạt động thương mại và dịch vụ 10 tháng đầu năm tại tỉnh Hà Tĩnh có những tín hiệu phát triển tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại - dịch vụ những tháng cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh từng bước được phục hồi, nguồn cung hàng hóa đảm bảo, đa dạng, giá cả tương đối ổn định, nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá đã góp phần làm cho sức mua thị trường tăng khá.

- Dự kiến tổng lượng cung ứng các mặt hàng nông sản sản xuất trong tỉnh phục vụ người dân dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024 cụ thể như sau:

+ Trồng trọt: lúa 22,35 vạn tấn; rau các loại 29.610 tấn; ngô lấy hạt 17.935 tấn; khoai lang 9.705 tấn; cam 67.814 tấn.

+ Chăn nuôi: 2.898 tấn thịt bò, 20.161 tấn thịt lợn, 7.377 tấn thịt gia cầm và hơn 88.800 nghìn quả trứng.

+ Thủy sản: 11.500 tấn, trong đó: sản lượng hải sản khai thác 9.000 tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 2.500 tấn.

Nhìn chung, lượng hàng hóa nông sản sản xuất trong tỉnh phục vụ người dân dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024 đã cao hơn so với lượng hàng hóa cần dự trữ để phục vụ người dân trong giai đoạn trước trong và sau Tết.

- Hà Tĩnh hiện có 01 trung tâm thương mại, 03 siêu thị cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu (Co.op mart ,Winmart tại TP Hà Tĩnh và Winmart Kỳ Anh), 150 chợ truyền thống, 53 cửa hàng Winmart+, 06 cửa hàng Co.op Food và hệ thống các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini phân bổ tại các huyện, thành phố, thị xã đang cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Từ thực tiễn những năm gần đây cho thấy, lượng hàng hóa dự trữ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa trong tỉnh chuẩn bị phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng bình quân từ 10-30%.

- Tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khách hàng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, do đó, dự báo sức mua sẽ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (khoảng 5-10%) và tăng 20-25% so với ngày thường. Trong thời gian tới, thị trường vào giai đoạn cuối năm sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa, đi lại tăng, giá một số loại hàng hóa có thể biến động tăng do ảnh hưởng của giá thế giới và chi phí đầu vào tăng; nguồn cung, giá xăng dầu trong tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào nguồn cung, giá cả xăng dầu thế giới và sự điều hành của Trung ương, giá điện tăng 02 lần trong năm.

- Hàng năm, hàng hóa chuẩn bị Tết Nguyên đán tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm (trứng gà, trứng vịt), thủy hải sản, đường, bột ngọt, bột nêm, nước tương, nước mắm, dầu ăn, rau củ, nước đóng chai, xăng dầu, các mặt hàng khác (bánh kẹo, thực phẩm chế biến...). Thời điểm bắt đầu diễn ra hoạt động mua sắm hàng dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024 trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày 13/12/2023 (tức ngày 01/11 năm Quý Mão 2023) đến hết ngày 09/3/2024 (tức ngày 29/01 năm Giáp Thìn 2024).

2. Nhu cầu dự trữ một số mặt hàng thiết yếu:

Trên cơ sở dân số tỉnh Hà Tĩnh tính đến thời điểm hiện tại khoảng 1,3 triệu người. Dự báo nhu cầu dự trữ một số mặt hàng thiết yếu trong những ngày trước, trong và sau Tết1 giá trị gần 460 tỷ đồng (chi tiết tại phụ lục 01 kèm theo).

III. GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG CUỐI NĂM 2023 VÀ DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN NĂM 2024

1. Bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu:

1.1. Các mặt hàng tham gia bình ổn:

Theo thực tế nhu cầu các năm và dự kiến các mặt hàng có nhu cầu cao, các mặt hàng tham gia bình ổn dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gồm: Gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm (trứng gà, trứng vịt), thủy hải sản, đường, bột ngọt, bột nêm, nước tương, nước mắm, dầu ăn, rau củ, nước đóng chai, xăng dầu.

1.2. Thời gian thực hiện: Trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày 13/12/2023 (tức ngày 01/11 năm Quý Mão 2023) đến hết ngày 09/3/2024 (tức ngày 29/01 năm Giáp Thìn 2024).

1.3. Lượng hàng hóa và các đơn vị tham gia bình ổn

Dự kiến có 10 đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường, bao gồm: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sài Gòn Hà Tĩnh (Siêu thị Coop.mart Hà Tĩnh); Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp Wincommerce - chi nhánh Hà Tĩnh (Siêu thị Winmart Hà Tĩnh; Siêu thị Winmart Kỳ Anh; Hệ thống các cửa hàng Winmart+); Công ty Cổ phần Thương mại Hà Tĩnh; Công ty TNHH KC Hà Tĩnh; Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Lâm Bân; Công ty TNHH Thương mại Hợi Đồng; Công ty Cổ phần Lương thực Hà Tĩnh; Công ty Cổ phần Nước khoáng và Du lịch Hà Tĩnh; Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh; Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Vũng Áng (Chi tiết lượng dự trữ trong 3 tháng của các đơn vị tại phụ lục 02 kèm theo).

[...]