Kế hoạch 56/KH-UBND năm 2018 thực hiện Quyết định 63/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Số hiệu 56/KH-UBND
Ngày ban hành 09/02/2018
Ngày có hiệu lực 09/02/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Đặng Xuân Phong
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/KH-UBND

Lào Cai, ngày 09 tháng 02 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 63/QĐ-TTG NGÀY 12/01/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI ĐẦU TƯ CÔNG GIAI ĐOẠN 2017-2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Thực hiện Quyết định 63/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp để đạt được mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 (sau đây gọi tắt là Đề án), góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

- Xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai các giải pháp của Đề án.

2. Yêu cầu

- Bám sát các mục tiêu của Đề án, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Đề án.

- Kế hoạch phải bảo đảm tính khả thi, phát huy tối đa nguồn lực hiện có của các cơ quan, tổ chức có liên quan và tình hình thực tiễn tại địa phương trong việc triển khai Đề án.

- Đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng thời bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan chủ trì tham mưu triển khai thực hiện (Sở Kế hoạch và Đầu tư) với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai hiệu quả Đề án.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Quán triệt, tuyên truyền việc triển khai Đề án

- Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu tổ chức quán triệt, triển khai Đề án lồng ghép trong việc tổ chức tập huấn thực hiện Luật Đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Trong năm 2018.

2. Các nội dung thực hiện

Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 tỉnh Lào Cai xác định huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực một cách toàn diện theo hướng hiện đại góp phần xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế của vùng và cả nước về công nghiệp khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản, dịch vụ cửa khẩu, du lịch và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời là địa bàn quan trọng về hợp tác quốc tế với các tỉnh phía Tây - Nam Trung Quốc. Trong đó nguồn vốn đầu tư công tập trung xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP) và bảo đảm phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn. Cơ cấu đầu tư công theo nguồn vốn và theo vùng, ngành, lĩnh vực như sau:

2.1. Cơ cấu đầu tư công theo nguồn vốn:

a) Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ:

- Tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có tính kết nối và lan tỏa giữa các địa phương. Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng biên giới, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng khó khăn khác. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.

- Thực hiện nguyên tắc ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục...

b) Đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: Đề nghị Trung ương ưu tiên đầu tư hỗ trợ thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; phát triển nông nghiệp và nông thôn; phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng; bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ thúc đẩy đầu tư thương mại cửa khẩu.

c) Đối với nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước: Tập trung đầu tư cho các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp của các thành phần kinh tế như: xây dựng cơ sở chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là các dự án sản xuất sử dụng nhiều lao động; trồng rừng nguyên liệu tập trung, trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả;

d) Nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP): Tập trung thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tác động lớn tới phát triển kinh tế và các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục...

3. Cơ cấu đầu tư công theo vùng

Đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng vùng cao, vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, hàng năm tiếp tục dành 65-70% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đầu tư cho vùng cao, vùng nông thôn (ưu tiên đầu tư cho giáo dục, y tế, giao thông nông thôn) để góp phần giảm nghèo đa chiều.

4. Cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực

4.1. Lĩnh vực du lịch, dịch vụ

[...]