Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 55/KH-UBND về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023

Số hiệu 55/KH-UBND
Ngày ban hành 20/02/2023
Ngày có hiệu lực 20/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/KH-UBND

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2023

Thực hiện Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; Kế hoạch số 07/KH-BCĐ ngày 06/11/2020 của Ban Chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 138 Thành phố) về kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 07/1/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về triển khai Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 10/11/2021 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030; Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 19/7/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Công văn số 62/AIDS-VP ngày 27/1/2023 của Cục phòng, chống HIV/AIDS về hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, như sau:

1. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại thành phố Hà Nội vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình.

b) 90% người nhiễm HIV trong diện quản lý được điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV).

c) 98% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế.

3. Các chỉ tiêu

a) 500 người nhiễm HIV mới được phát hiện năm 2023.

b) 80% người nghiện chích ma túy tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm; 65% phụ nữ mại dâm được tiếp cận với chương trình bao cao su; 65% nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tiếp cận với chương trình bao cao su và chất bôi trơn.

c) 5.300 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế.

d) 70% người dân trong độ tuổi từ 15-49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

e) Hoàn thành 300 mẫu giám sát trọng điểm theo quy định của Bộ Y tế.

g) 14.350 người nhiễm HIV/AIDS được duy trì điều trị bằng thuốc kháng vi rút (Bao gồm các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện đại học Y Hà Nội).

h) 633 người nhiễm HIV bắt đầu được điều trị bằng thuốc ARV.

i) 11.112 người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV được làm xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi điều trị ARV; 98% (10.890) người nhiễm HIV/AIDS có kết quả tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế (< 1.000 Cp/ml).

k) 8.502 khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) ít nhất 1 lần.

l) 92% người nhiễm đang điều trị HIV/AIDS hoàn thành điều trị Lao tiềm ẩn.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Dự phòng và can thiệp giảm tác hại

1.1. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông

- Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền trên báo chí, chú trọng tuyên truyền trên các báo điện tử có lượng độc giả lớn; trên các hình thức thông tin cơ sở (đài truyền thanh, bảng tin công cộng, tuyên truyền viên và báo cáo viên cơ sở...); tuyên truyền cổ động (pano, áp phích...); xây dựng các sản phẩm truyền thông (video clip, phim...).

- Tăng cường tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số của các mạng xã hội, các ứng dụng có khả năng tiếp cận và được nhóm đối tượng đích thường sử dụng.

- Cung cấp thông tin, kiến thức, tài liệu tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và thông điệp tích cực về bệnh HIV/AIDS trên Cổng/Trang thông tin điện tử của ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị Thành phố.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng:

[...]