Kế hoạch 546/KH-UBND năm 2024 tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Bình Thuận thời đại mới” giai đoạn 2024-2027

Số hiệu 546/KH-UBND
Ngày ban hành 19/02/2024
Ngày có hiệu lực 19/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Minh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 546/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 19 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “XÂY DỰNG NGƯỜI PHỤ NỮ BÌNH THUẬN THỜI ĐẠI MỚI” GIAI ĐOẠN 2024 - 2027

Để triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về xây dựng “Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Bình Thuận gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam”; căn cứ Hướng dẫn số 06/HD-ĐCT ngày 07/9/2022 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Bình Thuận thời đại mới”, giai đoạn 2024 - 2027 (sau đây gọi là Phong trào thi đua), với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tạo khí thế thi đua sôi nổi; khơi dậy niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của phụ nữ; phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách, tâm hồn; khích lệ, động viên tinh thần nỗ lực vươn lên, khát vọng cống hiến tài năng, trí tuệ của phụ nữ với gia đình, cộng đồng, xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và hội trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ, cán bộ, hội viên tham gia hưởng ứng phong trào thi đua; nâng cao vai trò của các cấp hội trong công tác tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và kết nối nguồn lực xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ thực hiện có hiệu quả các nội dung của phong trào thi đua.

- Biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua hàng năm và sơ kết, tổng kết giai đoạn 2024 - 2027 tạo sự lan tỏa trong xã hội.

2. Yêu cầu

- Phong trào thi đua phải được triển khai rộng khắp, phù hợp với đối tượng, địa bàn, vùng, miền trên toàn tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, thu hút được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, các cấp hội và đông đảo nữ cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, phụ nữ trong tỉnh.

- Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần nỗ lực vươn lên, khát vọng cống hiến tài năng, trí tuệ, thể chất, tâm hồn, công sức và trách nhiệm của các lực lượng phụ nữ trong tỉnh.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Đối tượng

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng cấp tỉnh, các doanh nghiệp và các cấp hội trên địa bàn tỉnh.

- Nữ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đoàn viên, hội viên, phụ nữ.

2. Phạm vi: Toàn tỉnh.

III. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA

1. Nội dung Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Bình Thuận thời đại mới” giai đoạn 2024 - 2027 , gồm các nội dung cơ bản sau:

1.1. Có tri thức

- Đối với phụ nữ, hội viên, nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc; có hiểu biết cơ bản về đời sống xã hội. Chủ động, tích cực học tập nâng cao kiến thức và kỹ năng cho bản thân và lan tỏa tinh thần học tập đến những người xung quanh. Có khả năng áp dụng kiến thức mới, cải tiến hoặc ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc và thực tiễn cuộc sống góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, sản xuất, kinh doanh và công tác.

- Đối với cán bộ hội các cấp trong tỉnh: Ngoài những yêu cầu như đối với hội viên, phụ nữ, cán bộ hội cần chủ động học tập, nghiên cứu nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác hội; phát huy khả năng vận động lồng ghép giới; sáng tạo, đổi mới tổ chức hoạt động hội đem lại hiệu quả thiết thực.

1.2. Có đạo đức

- Đối với phụ nữ, hội viên, nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của công dân; rèn luyện các phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và phụ nữ Việt Nam; giữ gìn uy tín cá nhân, là tấm gương tốt trong gia đình và cộng đồng về rèn luyện đạo đức; ứng xử có văn hóa, phù hợp với các quy tắc đạo đức, quy ước, quy định của cộng đồng, địa phương, đơn vị, tổ chức.

- Đối với cán bộ hội các cấp trong tỉnh: Ngoài những yêu cầu như đối với hội viên, phụ nữ, cán bộ hội cần tích cực, thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu; có ý thức giữ gìn uy tín của tổ chức hội, hình ảnh và uy tín của người cán bộ hội, xây dựng văn hóa tổ chức hội.

1.3. Có sức khỏe

- Đối với phụ nữ, hội viên, nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Tích cực rèn luyện để có sức khỏe tốt cả về thể chất và tinh thần; suy nghĩ tích cực, có lối sống lành mạnh; tham gia và vận động những người xung quanh tham gia hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ; có kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình; khuyến khích tham gia bảo hiểm y tế.

- Đối với cán bộ hội các cấp trong tỉnh: Ngoài những yêu cầu như đối với hội viên, phụ nữ, cán bộ hội còn là nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; gương mẫu đi đầu tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục - thể thao quần chúng.

1.4. Có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, đất nước

[...]