ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1843/QĐ-UBND
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 6 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH VAI TRÒ CỦA HỘI PHỤ NỮ CÁC
CẤP TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, ĐÔ THỊ VĂN MINH ĐẾN NĂM 2025”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Chương trình số 04-CTr/TU
ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp
và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông
dân giai đoạn 2021-2025;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tại Tờ trình số
167/TTrLS: NN&PTNN-HLHPN ngày 26/4/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các
cấp trong xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025 ” (Đề án chi tiết
kèm theo).
Điều 2.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp
các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực
hiện Đề án đảm bảo theo đúng quy định.
Điều 3.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký, Chánh Văn phòng
UBND Thành phố; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội; Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Đ/c Bí thư Thành ủy Hà Nội (để báo
cáo);
- TT: Thành ủy, HĐND TP; (để báo cáo);
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo);
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND các huyện, thị xã;
- Văn phòng ĐPNTM Thành phố;
- VPUB: PCVP (N.M.Quân), KT, KGVX, TH;
- Lưu: VT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Mạnh Quyền
|
ĐỀ ÁN
“ĐẨY MẠNH VAI TRÒ CỦA HỘI PHỤ NỮ CÁC CẤP TRONG XÂY DỰNG NÔNG
THÔN MỚI, ĐÔ THỊ VĂN MINH ĐẾN NĂM 2025”
(kèm theo Quyết định số 1843/QĐ-UBND ngày 02/6/2022 của UBND Thành phố)
I. SỰ CẦN THIẾT
XÂY DỰNG BAN HÀNH ĐỀ ÁN
Trong những năm qua, Hội Liên hiệp
Phụ nữ thành phố Hà Nội đã tích cực tham gia triển khai thực hiện có hiệu quả
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố.
Trong đó đã tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia xây dựng hạ tầng kỹ
thuật, giao thông nông thôn (hiến đất làm đường, lắp đặt thiết bị chiếu sáng,
bê tông hóa đường nội đồng...); tích cực thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia
đình 5 không, 3 sạch”; xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có
giá trị cao; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng các hoạt
động chuỗi kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản; hỗ trợ thành lập mô hình kinh tế
tập thể do phụ nữ làm chủ (hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ/nhóm liên kết). Các cấp Hội
đã chủ động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, phối hợp thực hiện
hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Khai thác và quản lý tốt các nguồn vốn giúp hội viên phụ nữ vay để phát triển
kinh tế gia đình; giúp phụ nữ thoát nghèo, giúp phụ nữ cận nghèo nâng cao mức sống;
các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn được đẩy
mạnh, chú trọng các địa bàn chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phụ nữ
nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số. Các mô hình tham gia bảo vệ môi trường của tổ
chức Hội được triển khai thực hiện hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng như mô
hình “Sạch đồng ruộng”, “Nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng xanh,
sạch, đẹp và thân thiện với môi trường”, “Đoạn đường nở hoa do phụ nữ tự
quản”... góp phần đem lại diện mạo mới cho nông thôn. Đặc biệt, một số mô
hình điểm tại các huyện như: Chương trình thu gom phân loại xử lý rác hữu cơ tại
hộ gia đình do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh triển khai tại hơn 1.500 hộ
gia đình của 04 xã trên địa bàn; mô hình “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân
bón hữu cơ và thu gom rơm để trồng nấm” của các chi Hội Phụ nữ huyện Sóc Sơn,
huyện Đông Anh... đã góp phần giảm lượng rác thải gây ô nhiễm không khí trên địa
bàn thành phố, giữ sạch cảnh quan môi trường thôn xóm, đồng thời nâng cao giá
trị kinh tế của các hoạt động sản xuất nông nghiệp do chị em phụ nữ làm chủ.
Các mô hình với sự tham gia sâu sát của phụ nữ ở các cấp cơ sở cho thấy những
thành công bước đầu và cần sự hỗ trợ lâu dài để trở thành phong trào tại các
khu vực ngoại thành Hà Nội. Các hoạt động trên đã khẳng định vai trò quan trọng
của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng
nông thôn mới, đô thị văn minh của thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên trong quá trình tổ chức
thực hiện còn một số hạn chế, khó khăn chủ yếu như sau:
- Việc tham gia chuyển đổi cơ cấu
cây trồng, vật nuôi ở một số địa phương còn chậm; số lượng các mô hình kinh tế
tập thể có sự tham gia quản lý của phụ nữ chưa nhiều.
- Sự kết nối giữa các Hợp tác xã/Tổ
hợp tác, nhóm liên kết trong sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ với các
doanh nghiệp, nhà khoa học chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; việc hỗ trợ phụ
nữ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
- Việc phát huy vai trò của phụ nữ
tham gia bảo vệ môi trường nông thôn có nơi, có lúc chưa đạt hiệu quả bền vững;
công tác tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ xử lý rơm rạ sau thu hoạch và rác thải
sinh hoạt còn hạn chế...
Nguyên nhân của hạn chế trên là
do:
Về chủ quan: Nhận thức về phát triển
mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất của cán bộ, hội viên ở một số nơi chưa
đầy đủ, chưa thống nhất. Công tác phối hợp giữa tổ chức Hội với chính quyền và
ngành chức năng về xây dựng mô hình phát triển kinh tế do nữ làm chủ, có nơi
còn hình thức, thiếu chặt chẽ; Nguồn lực hỗ trợ cho việc tham gia xây dựng nông
thôn mới nói chung và công tác bảo vệ môi trường của tổ chức Hội nói riêng còn
hạn hẹp.
Về khách quan: Hội viên, phụ nữ khu
vực nông thôn còn thiếu kiến thức, còn ảnh hưởng bởi tâm lý, thói quen sản xuất
nhỏ lẻ, tự phát nên việc tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản
xuất, chăn nuôi còn hạn chế, ý thức tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường có lúc,
có nơi chưa cao; Việc thực hiện quy trình thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của
đơn vị chức năng tại một số địa phương không đảm bảo, lượng rác thải ngày một
tăng trong khi chính quyền một số nơi chưa sâu sát chỉ đạo quyết liệt dẫn đến
tình trạng ứ đọng rác tại các điểm tập kết, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến
sức khỏe, cảnh quan khu vực nông thôn.
Vì vậy việc xây dựng và triển khai
thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông
thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” là cần thiết.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG
ĐỀ ÁN
1. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc
XIII trong đó có nội dung định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030:
“Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại
nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung xây dựng
kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây
dựng nông thôn mới...”.
2. Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày
03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng
mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn
2021-2025, trong đó ưu tiên “Các hợp tác xã có đông thành viên là nữ hoặc phụ
nữ tham gia quản lý; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng
xa và hải đảo; tạo việc làm, hỗ trợ cho người yếu thế...”.
3. Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày
22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể,
hợp tác xã giai đoạn 2021-2025” đưa ra định hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp
tác xã trong các lĩnh vực khác, trong đó “Tiếp tục thành lập các hợp tác xã,
liên hiệp hợp tác xã để cung cấp các dịch vụ đời sống cho người dân như: y tế,
chăm sóc sức khỏe; giáo dục; du lịch... và các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
do thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, đồng bào dân tộc làm chủ”.
4. Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày
12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập
thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030, trong đó có giải pháp giao Trung ương Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam “Xây dựng Đề án Hỗ trợ hợp tác xã phụ nữ tham gia quản
lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2021-2030”.
5. Chương trình số 04-CTr/TU ngày
17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục
tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và
phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông
dân giai đoạn 2021-2025” giao Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố xây dựng Đề án “Đẩy
mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn
minh đến năm 2025”.
6. Chương trình số 05-CTr/TU ngày
17/3/2021 của thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch;
nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ
động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên
địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
7. Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày
11/10/2021 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày
17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và
phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông
dân giai đoạn 2021 - 2025”.
III. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU VÀ MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục đích, yêu cầu
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của
các cấp Hội Phụ nữ trong việc tham gia đóng góp có hiệu quả vào việc xây dựng
nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông
thôn, cải thiện chất lượng môi trường nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần
và sức khỏe cộng đồng cho phụ nữ nông thôn tại các địa phương giai đoạn đến năm
2025.
- Các hoạt động tuyên truyền, vận động,
tham gia triển khai thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy
được tiến hành nghiêm túc sát với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội; xác định
rõ mô hình, việc làm cụ thể gắn với việc thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận
động, các khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội.
- Tăng cường công tác phối hợp với
các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện, đảm bảo có chiều sâu, thiết
thực, hiệu quả.
2. Mục tiêu của Đề án
2.1. Mục tiêu chung:
Tuyên truyền, vận động các cấp Hội tổ chức hoạt động thiết thực thực hiện hiệu
quả Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội; nâng cao nhận
thức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ
trong tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ
môi trường, sức khỏe cộng đồng và nâng cao đời sống của phụ nữ khu vực nông
thôn trên địa bàn Thành phố đến năm 2025.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
- Phấn đấu 100% cán bộ, hội viên phụ
nữ, hộ gia đình kinh doanh được tuyên truyền nâng cao nhận thức tham gia các tổ
chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý.
- Phấn đấu 100% hội viên, phụ nữ
khu vực nông thôn được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, sức
khỏe cộng đồng và phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ và xử lý rơm rạ tại
hộ gia đình.
- Thành phố Hà Nội hỗ trợ xây dựng
mô hình phân loại “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình hội
viên phụ nữ nông thôn”; mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch”
theo quy định.
- Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản các
xã trên địa bàn thực hiện “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ
gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” và “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch”.
- Mỗi cơ sở Hội có ít nhất 01 mô
hình, công trình/phần việc tham gia xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp,
văn minh gắn với tiêu chí đô thị.
IV. ĐỐI TƯỢNG,
PHẠM VI ĐỊA BÀN, THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng thụ hưởng của Đề
án:
- Cán bộ, hội viên phụ nữ Hội Liên
hiệp Phụ nữ các xã, thị trấn.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và
huyện, thị xã, các tổ chức có liên quan tham gia thực hiện các hoạt động của Đề
án.
2. Phạm vi: Tại huyện, thị
xã trên địa bàn Thành phố
V. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tuyên truyền
nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị
văn minh.
- Tổ chức hội nghị tuyên truyền
nâng cao nhận thức cho hội viên về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới, Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội; các
chính sách nông nghiệp, nông thôn; các nội dung phong trào “Toàn dân chung sức
xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (15
lớp/năm).
- Tổ chức 15 lớp/năm tuyên truyền
cho phụ nữ nông thôn về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công
nghệ cao, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; các văn bản
chính sách có liên quan đến kinh tế tập thể, vai trò của phụ nữ trong hoạt động
kinh tế tập thể; kiến thức, kỹ năng quản lý mô hình kinh tế tập thể cho phụ nữ,
phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, chương trình “Mỗi xã, phường một
sản phẩm” (OCOP).
- Tổ chức hội nghị tuyên truyền cho
cán bộ, hội viên phụ nữ và các hộ gia đình khu vực nông thôn về các chủ trương
của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, Luật
bảo vệ môi trường, các vấn đề sức khỏe cộng đồng đặt ra trong công tác bảo vệ
môi trường nông thôn và sự tham gia của người dân. Xây dựng các mô hình bảo vệ
môi trường nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh (15 lớp/năm).
- Tổ chức tuyên truyền cho cán bộ,
hội viên phụ nữ các chủ trương, đường lối của Đảng và các chính sách, pháp luật
của Nhà nước, tích cực tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp
tác; Vận động, hỗ trợ nâng cao lực cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý Hợp
tác xã, chủ hộ kinh doanh (25 lớp/ năm).
- Kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã có
phụ nữ tham gia tiếp cận tín dụng thông qua các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác
xã, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác... để cho cán bộ, hội viên phụ
nữ, các hộ sản xuất kinh doanh do nữ làm chủ, phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi
nghiệp vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Tổ chức hội nghị tập huấn về công
tác tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với hoạt động tài chính vi mô,
tích cực tham gia trong phát triển nông nghiệp, hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi sự,
kinh doanh, khởi nghiệp; vận động sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, xúc tiến
thương mại nông nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn (15 lớp/năm).
- Tổ chức tuyên truyền hoạt động của
các cấp Hội tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn
với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời
sống vật chất, tinh thần của nông dân trên Website và trang Fanpage của Hội
Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, Báo Phụ nữ Thủ đô; Biên soạn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp...
về nội dung hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ hoạt động bảo vệ
môi trường nông thôn, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại các hộ gia
đình, xử lý rơm rạ thành phần hữu cơ trên cơ sở các tài liệu hiện hành.
- Tổ chức Hội thảo “Vai trò của các
cấp Hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới”
(01 cuộc/năm).
2. Xây dựng
mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, trật tự văn minh đô thị
2.1. Triển khai thí điểm mô
hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông
thôn”
- Tổ chức khảo sát, đánh giá hiện
trạng thải chất rắn sinh hoạt và nhu cầu tham gia của gia đình cán bộ, hội viên
phụ nữ tại các địa bàn nông thôn để tổ chức thực hiện.
- Hàng năm, tổ chức tọa đàm, hội thảo
vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng
nông thôn mới, đô thị văn minh (01 cuộc/năm).
- Tổ chức 20 lớp/năm tuyên truyền,
tập huấn quy trình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; các
giải pháp sử dụng nguồn rác hữu cơ để chế biến phân bón trong nông nghiệp, thuốc
bảo vệ thực vật hữu cơ ứng dụng trong trồng trọt và các sản phẩm hữu cơ khác;
các giải pháp thu gom và xử lý chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế,
rác tái chế hộ gia đình và trên cánh đồng cho cán bộ Hội cấp huyện, xã, chi hội
trưởng phụ nữ các xã, thị trấn và các hộ gia đình. Ký cam kết tại hộ gia đình hội
viên phụ nữ thực hiện phân loại, xử lý rác hữu cơ.
- Tuyên truyền, tổ chức thí điểm mô
hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ
nữ nông thôn thành phần hữu cơ và các sản phẩm hữu cơ khác tại các hộ gia đình
trên địa bàn 05 xã. Vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư, hộ
gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
- Tổ chức cuộc thi trực tuyến “Phụ
nữ Thủ đô chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên trang Fanpage
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội (Năm 2024).
- Phối hợp với các tổ chức khoa học
công nghệ, các doanh nghiệp và chuyên gia để triển khai các hoạt động khảo sát,
đánh giá, truyền thông, tập huấn, xây dựng tài liệu và hỗ trợ thực hiện mô hình
điểm.
- Hằng năm, phối hợp các sở, ngành
liên quan kiểm tra, giám sát các huyện, thị xã và các hộ gia đình hội viên phụ
nữ thực hiện quy trình phân loại, xử lý rác hữu cơ.
- Kết thúc giai đoạn thực hiện nội
dung của Đề án, lấy phiếu đánh giá tới cán bộ, hội viên phụ nữ và các hộ gia
đình về nhận thức, sự chuyển biến của các hộ gia đình phụ nữ trước và sau khi
tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn sức khỏe cho gia đình và cộng đồng, đảm bảo
môi trường sống an toàn.
2.2. Triển khai thí điểm mô
hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch”
- Tổ chức tập huấn quy trình, kỹ
thuật thu gom, xử lý rơm rạ, tái sử dụng rơm rạ và phụ phẩm cây trồng làm
nguyên liệu sản xuất thành phần hữu cơ, nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên phụ
nữ và người dân trong tham gia bảo vệ môi trường (18 lớp/năm).
- Tuyên truyền, vận động xây dựng 9
mô hình/năm cho hội viên phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch sử dụng chế
phẩm ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ, các phụ phẩm nông nghiệp khác hay mô hình
trồng nấm sạch từ rơm rạ theo các quy trình. Kết hợp với các tổ chức khoa học
công nghệ, doanh nghiệp và chuyên gia để hướng dẫn hội viên phụ nữ các chi hội
phụ nữ thực hiện.
- Tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết
quả sau khi xử lý và nhận diện rộng.
- Tổ chức cuộc thi trực tuyến “Phụ
nữ Thủ đô xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần xây dựng nông thôn mới”
trên trang Fanpage Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội (Năm 2023 và 2025).
3. Kết nối
tiêu thụ sản phẩm nông sản
- Tổ chức hoạt động thường niên Chương
trình “Hà Nội kết nối vươn xa”, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề
truyền thống, sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Hà Nội và phụ nữ các tỉnh/thành phố
(01 sự kiện/năm).
- Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu
sản phẩm hàng Việt chất lượng cao tới hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn
Thành phố, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” trên trang Fanpage của Hội
và trên báo Phụ nữ Thủ đô.
- Hàng năm, tổ chức các tuần lễ
trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp,
cơ sở sản xuất kinh doanh, Hợp tác xã do nữ làm chủ; phối hợp tổ chức các phiên
chợ sản phẩm an toàn cấp Thành phố. Tổ chức điểm kết nối, giới thiệu tiêu thụ sản
phẩm cho phụ nữ tại 37 Nguyễn Chí Thanh - quận Ba Đình và số 1 Hoàng Văn Thụ -
quận Hà Đông, Chợ thương mại điện tử “Chợ nhà mình” trên trang thông tin Nông sản
an toàn của thành phố Hà Nội, trang Website và Fanpage của Hội Liên hiệp Phụ nữ
Hà Nội nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm
có thế mạnh của các địa phương.
4. Tổ chức các
hoạt động chia sẻ kinh nghiệm phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới
- Tổ chức 3 cuộc thăm quan, chia sẻ
kinh nghiệm mô hình phát triển kinh tế do nữ làm chủ ứng dụng công nghệ cao tại
các huyện trong Thành phố để học tập nhận diện rộng (01 cuộc/năm)
- Tổ chức 01 cuộc trao đổi kinh
nghiệm, thăm quan trong triển khai mô hình bảo vệ môi trường nông thôn; xử lý
rơm rạ sau thu hoạch thành phần hữu cơ, phân loại rác thải sinh hoạt hữu cơ (01
cuộc/năm).
- Hàng năm tổ chức 3 đoàn công tác
đi học tập, trao đổi kinh nghiệm và làm việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh
bạn làm tốt công tác xây dựng các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ.
Thành phần tham gia là nữ chủ doanh nghiệp quản lý, điều hành từ Thành phố đến
cơ sở.
- Hàng năm tổ chức giao lưu, chia sẻ
kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, mở rộng các chuỗi kết nối sản xuất, tiêu thụ
sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp
an toàn của các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ, các hộ phụ nữ sản xuất kinh
doanh trong các dịp 8/3, 20/10...
5. Tổ chức Hội
nghị đánh giá, sơ kết, tổng kết
Tổ chức các Hội nghị đánh giá kết
quả hàng năm, hội nghị sơ kết năm 2023, tổng kết Đề án năm 2025.
VI. KINH PHÍ THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề
án đến năm 2025 là: 20.133.000.000 đồng (Hai mươi tỷ, một trăm ba mươi ba
triệu đồng chẵn), từ nguồn Ngân sách Thành phố cấp cho các hoạt động do Hội
Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội chủ trì triển khai thực hiện; trong đó: năm
2022 là 4.758.000.000 đồng; năm 2023 là 5.100.000.000 đồng; năm 2024 là
5.105.000.000 đồng; năm 2025 là 5.170.000.000 đồng.
Hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ
thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan lập dự
toán chi tiết gửi Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố,
trình HĐND Thành phố xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thị
xã hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án theo chức năng, thẩm quyền, lập dự
toán đề nghị Phòng Tài chính cấp huyện tổng hợp, báo cáo UBND huyện, trình HĐND
cùng cấp phê duyệt làm căn cứ thực hiện.
VII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố
Hà Nội
- Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà
Nội cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn toàn chịu trách nhiệm về
tính pháp lý, nội dung trình duyệt Đề án này.
- Là cơ quan chủ trì, phối hợp các
đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả,
không để xảy ra thất thoát ngân sách nhà nước, không trùng lắp với các nội
dung, nhiệm vụ của các sở, ngành liên quan; theo đúng quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo, hướng dẫn Hội Liên hiệp
Phụ nữ các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động của
Đề án theo thẩm quyền.
- Tổng hợp kết quả thực hiện, báo
cáo Thành ủy, UBND Thành phố kết quả thực hiện theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ
thành phố Hà Nội triển khai nội dung Đề án đã được phê duyệt; xây dựng tài liệu
tuyên truyền, biên soạn và cung cấp tài liệu hướng dẫn cho cán bộ, hội viên phụ
nữ các cấp Hội; lồng ghép trong các chương trình, Đề án Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn được giao chủ trì, đảm bảo hiệu quả, không trùng lắp, theo đúng
quy định của pháp luật.
3. Sở Tài nguyên Môi trường
Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ
thành phố Hà Nội triển khai nội dung Đề án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của
Sở đảm bảo hiệu quả.
4. Sở Tài chính
Hàng năm căn cứ khả năng cân đối
ngân sách và đề xuất của đơn vị, tổng hợp, tham mưu UBND Thành phố trình HĐND
Thành phố bố trí kinh phí cho các đơn vị để triển khai thực hiện Đề án và hướng
dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí theo đúng quy định hiện hành.
5. Liên minh Hợp tác xã Thành phố
Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ
Hà Nội triển khai nội dung Đề án; lồng ghép các chương trình do Liên minh Hợp
tác xã thành phố Hà Nội được giao chủ trì đảm bảo hiệu quả, không trùng lắp,
theo đúng quy định của pháp luật.
6. Ngân hàng chính sách xã hội
Hà Nội
Phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành
phố Hà Nội triển khai nội dung Đề án; lồng ghép các chương trình, hỗ trợ vốn do
Ngân hàng chính sách xã hội quản lý bảo đảm hiệu quả, không trùng lắp, theo
đúng quy định của pháp luật.
7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và
các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội theo phạm vi, chức
năng nhiệm vụ phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động của Đề án; lồng ghép các
hoạt động trong các chương trình, Đề án có liên quan.
8. UBND các huyện, thị xã
- UBND các huyện, thị xã quan tâm
phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án do Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp đề xuất và
cân đối bố trí nguồn ngân sách hàng năm theo phân cấp để hỗ trợ thực hiện Đề án
theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo các ngành chức năng phối
hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động, mô
hình Đề án trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật./.