Kế hoạch 534/KH-UBND đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập năm 2024, năm 2025 do tỉnh Khánh Hòa ban hành

Số hiệu 534/KH-UBND
Ngày ban hành 12/01/2024
Ngày có hiệu lực 12/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Nguyễn Tấn Tuân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 534/KH-UBND

Khánh Hòa, ngày 12 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG CÔNG LẬP NĂM 2024, NĂM 2025

Thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 21/12/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025; tiếp tục thực hiện Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 09/02/2021 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 21/12/2020, Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập năm 2024, năm 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên; chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, có năng lực kỹ năng nghiệp vụ sư phạm; thực hiện tốt nội dung các chương trình giáo dục; kiểm tra đánh giá và tổ chức các hoạt động giáo dục,... nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành học, bậc học đề ra, đảm bảo mục tiêu giáo dục và nhu cầu xã hội, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo;

b) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng góp phần xây dựng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, góp phần thực hiện tốt chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa nói chung và của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà nói riêng;

c) Thay đổi nhận thức trong cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập về phương pháp giáo dục tại các cơ sở giáo dục hiện nay nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động về phương pháp giảng dạy, phương pháp tiếp cận các nội dung giáo dục một cách khoa học, logic, hiệu quả và thiết thực.

2. Yêu cầu

a) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập đảm bảo chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non và phổ thông theo quy định. Trang bị và nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quốc phòng-an ninh, kỹ năng điều hành thực thi công vụ, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp..., trong đó quan tâm đến giáo viên mầm non và phổ thông công lập cốt cán và trong diện quy hoạch cán bộ quản lý giáo dục;

b) Đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý viên chức phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị; phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập; năng lực tự đánh giá hiệu quả bồi dưỡng thường xuyên; năng lực tổ chức, quản lý hoạt động tự học, tự bồi dưỡng của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập tại các cơ sở giáo dục;

c) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập đảm bảo những mục tiêu, yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ tiêu cần đạt được trong từng năm liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập của cơ quan có thẩm quyền quy định.

II. THỰC TRẠNG TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

1. Quy mô trường, lớp, giáo viên

- Hệ thống mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được rà soát, sắp xếp, bổ sung, điều chỉnh đồng bộ từ bậc học mầm non đến cấp học phổ thông, bao gồm đủ các loại hình trường lớp trong hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng đa dạng hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo, mật độ các trường học trên địa bàn tỉnh phân bổ hợp lý. Hệ thống trường, lớp bảo đảm sự liên thông giữa các trường mầm non và phổ thông với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho con em nhân dân đi học, đặc biệt là ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, giảm thiểu tình trạng bỏ học. Toàn tỉnh có 524 trường mầm non, phổ thông và các trung tâm. Cụ thể ở các cấp học như sau: Mầm non có 204 trường (159 trường công lập và 45 trường ngoài công lập); Tiểu học có 160 trường; Trung học cơ sở (THCS) có 121 trường; Trung học phổ thông (THPT) có 34 trường (29 trường THPT công lập và 05 trường THPT ngoài công lập) và có 04 trung tâm;

- Năm học 2023-2024, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành là 22.126 người. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 93,22% (trong đó trên chuẩn là 12,8%). Tỷ lệ giáo viên các cấp học cơ bản đáp ứng theo yêu cầu: nhà trẻ đạt 1,72 giáo viên/nhóm (trong đó công lập 2,04 giáo viên/lớp); mẫu giáo đạt 1,72 giáo viên/lớp (công lập 1,7 giáo viên/lớp); tiểu học: 1,43 giáo viên/lớp; THCS: 1,91 giáo viên/lớp; THPT: 2,23 giáo viên/lớp.

2. Trình độ đào tạo, bồi dưỡng

- Theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019, toàn tỉnh còn 6,78% giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định, phải tham gia đào tạo theo lộ trình từng năm trong giai đoạn 2021-2025; 100% giáo viên trung học phổ thông công lập đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định;

- Trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập, cụ thể: Thạc sĩ chuyên môn; Quản lý giáo dục; An ninh - quốc phòng (đối tượng 3 và 4); Lãnh đạo quản lý cấp phòng, cấp Sở; Lý luận chính trị (cao cấp, trung cấp); Kiến thức dân tộc và tiếng dân tộc; Chương trình quản lý nhà nước ngạch (chuyên viên, chuyên viên chính); bồi dưỡng chính trị hè; ...

- Công tác bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục 2018 đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả và thiết thực.

3. Đánh giá chung

- Có thể khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập trong thời gian qua đã được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sâu sắc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương đối với công tác phát triển nguồn nhân lực và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập. Đặc biệt, là ý thức, trách nhiệm và tinh thần học tập rất cao của đại bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập trong việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng;

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã tăng cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, góp phần thực hiện tốt chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa nói chung và của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà nói riêng.

Tuy nhiên, việc liên kết với các trường có uy tín trong và ngoài nước trong đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập chưa được chú trọng; Công tác nghiên cứu khoa học trong giáo viên mầm non và phổ thông chưa được quan tâm; Một số ít cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục chưa quan tâm và đầu tư thường xuyên đến công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông tại đơn vị mình; Một số giáo viên mầm non và phổ thông công lập lớn tuổi ngại tham gia đào tạo, bồi dưỡng; thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên mầm non và phổ thông công lập còn hạn chế, chủ yếu tham gia trong dịp hè; Việc tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập (cấp tiểu học và trung học cơ sở) còn thấp do hạn chế về biên chế, thời gian, kinh phí...

III. ĐỐI TƯỢNG, MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đối tượng: Cán bộ quản lý và giáo viên (sau đây gọi tắt là giáo viên) trong các cơ sở giáo dục công lập, bao gồm: cơ sở giáo dục mầm non; các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt, trung tâm giáo dục thường xuyên... (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục phổ thông) trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu đến năm 2025

- Phấn đấu 100% giáo viên mầm non và phổ thông công lập (tiểu học và trung học cơ sở) tham gia và đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định (giáo viên mầm non phải tốt nghiệp trình độ đào tạo từ Cao đẳng trở lên; giáo viên Tiểu học, THCS phải tốt nghiệp trình độ đào tạo Đại học);

[...]