Kế hoạch 530/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2023

Số hiệu 530/KH-UBND
Ngày ban hành 02/02/2023
Ngày có hiệu lực 02/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 530/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 02 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM NĂM 2023

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 06/12/2022 của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026;

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2023, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng nông thôn mới (NTM) phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, chuyển mạnh vào chiều sâu, bền vững; phát huy cao sự chủ động, sáng tạo của người dân; trọng tâm hướng đến nâng cao nhanh đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tập trung thực hiện các Chương trình chuyên đề để có sự chuyển biến rõ nét về phát triển kinh tế nông thôn tổng hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP hiệu quả; quan tâm cao đến văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử; chú trọng môi trường, nhất là nước sạch, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, công trình vệ sinh hộ gia đình, phân loại rác thải tại nguồn; đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn; chú trọng an ninh trật tự. Quan tâm cao đến các xã miền núi khó khăn chưa đạt chuẩn NTM; các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM phải đảm bảo duy trì chuẩn theo Bộ tiêu chí mới, chuyển mạnh sang xây dựng xã, huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu để đảm bảo tính liên tục, bền vững; năm 2023 là năm tăng tốc nên phải bám sát vào yêu cầu, nội dung nhiệm vụ của Chương trình NTM, Bộ tiêu chí giai đoạn mới để chỉ đạo thực hiện hiệu quả, tạo bức phá.

2. Yêu cầu

Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023 trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý; đưa chỉ tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thôn NTM kiểu mẫu vào chương trình công tác, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của địa phương. Tổ chức thực hiện xây dựng NTM đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2023 đề ra, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trái quy định trong xây dựng NTM, nhất là nợ XDCB giai đoạn 2016-2020 phải được xử lý dứt điểm.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tập trung xây dựng NTM theo hướng thực chất, bền vững, trong đó chú trọng công tác duy trì, nâng chuẩn theo Bộ tiêu chí mới đối với các thôn, xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, hướng đến NTM nâng cao, kiểu mẫu.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Xã NTM: Chỉ đạo các xã: Đại Thạnh, Đại Sơn (Đại Lộc); Trà Giang (Bắc Trà My); Ninh Phước (Nông Sơn); Quế An, Quế Minh (Quế Sơn); Phước Năng (Phước Sơn); Tiên Lãnh (Tiên Phước) đạt chuẩn NTM để đến cuối năm 2023, có thêm ít nhất 07 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên ít nhất 130 xã, đạt tỷ lệ 67%.

b) Xã NTM nâng cao: Chỉ đạo các xã: Tiên Phong, Tiên Cảnh (Tiên Phước); Bình Phú (Thăng Bình); Tam Anh Nam (Núi Thành); Quế Long, Quế Châu (Quế Sơn); Tam Phước, Tam Thái (Phú Ninh); Đại Hòa, Đại Thắng, Đại Nghĩa, Đại Cường, Đại Phong, Đại Đồng (Đại Lộc); Duy Sơn (Duy Xuyên); Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Tiến (Điện Bàn), để đến cuối năm 2023 có thêm ít nhất 15 xã NTM nâng cao.

c) Xã NTM kiểu mẫu: Chỉ đạo xã Điện Quang (Điện Bàn) đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu (kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực văn hóa).

d) Thôn NTM: Phấn đấu có thêm ít nhất 80 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, cụ thể: Tiên Phước phấn đấu mới 10 thôn; Thăng Bình phấn đấu mới 10 thôn; Núi Thành phấn đấu mới 06 thôn; Quế Sơn phấn đấu mới 07 thôn; Phú Ninh phấn đấu mới 06 thôn; Đại Lộc phấn đấu mới 13 thôn; Nông Sơn phấn đấu mới 05 thôn; Tây Giang phấn đấu mới 10 thôn; Đông Giang phấn đấu mới 02 thôn; Phước Sơn phấn đấu mới 01 thôn; Bắc Trà My phấn đấu mới 02 thôn; Nam Trà My phấn đấu mới 01 thôn; Hội An phấn đấu mới 04 thôn; Duy Xuyên phấn đấu mới 05 thôn; Điện Bàn phấn đấu mới 08 thôn; Tam Kỳ phấn đấu mới 09 thôn.

đ) Các huyện, thị xã, thành phố, xã, thôn đã đạt chuẩn NTM tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022-2025 hướng đến NTM nâng cao, kiểu mẫu.

e) Giải ngân 100% nguồn vốn được giao cho Chương trình NTM năm 2023 (kể cả vốn năm 2022 chuyển sang).

g) Các huyện NTM phấn đấu đạt từ 5-6 tiêu chí cấp huyện trở lên. Tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ thành phố Hội An thực hiện thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2024 để trình Trung ương thẩm định.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tăng cường tuyên truyền, vận động; tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Quảng Nam chung sức xây dựng nông thôn mới”

- Tập trung hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó đổi mới cách tuyên truyền cho phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, chú trọng giải pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là cấp xã, thôn và mọi tầng lớp Nhân dân cùng vào cuộc thực hiện các mục tiêu Chương trình NTM đã đề ra; chú trọng truyền thông về chính sách trong Chương trình NTM theo đúng tinh thần Thông báo số 387/TB-VPCP ngày 22/12/2022 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực; quá trình xây dựng NTM cần gắn chặt với thực hiện các phong trào, cuộc vận động để tạo sức lan tỏa rộng trên địa bàn, nhất là địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn để người dân cùng đồng thuận. Cấp tỉnh, huyện ban hành các đĩa CD, video clip tuyên truyền về các tiêu chí mới, nội dung mới, cơ chế chính sách mới để cấp xã, thôn thông tin trên Đài truyền thanh xã, nhất là phát huy hiệu quả của Đài Truyền thanh ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền. Tổ chức tốt các cuộc thi trong xây dựng NTM trong năm 2023 để xây dựng NTM đi vào chiều sâu (thi vườn tường đường đẹp, cơ sở vật chất văn hóa đẹp tại Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 12/01/2023 của UBND tỉnh; thi liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã nông thôn mới lần thứ III - năm 2023….).

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Quảng Nam chung sức xây dựng nông thôn mới”; mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể ở các cấp, các ngành đều phải có việc làm cụ thể, thiết thực về xây dựng NTM, coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò nòng cốt trong vận động, tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân, hội viên, đoàn viên tham gia xây dựng NTM nhằm thống nhất về nhận thức, đồng thuận về quan điểm để tuyên truyền, vận động và chỉ đạo xây dựng NTM từ “nhà ra ngõ, từ thôn lên xã, từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh”; xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong việc bàn và quyết định các nội dung, nhiệm vụ xây dựng NTM theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

2. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét, đạt mục tiêu theo từng nhóm xã, huyện, thôn

a) Đối với nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2023 và giai đoạn 2024-2025

[...]