Kế hoạch 530/KH-UBND năm 2023 triển khai Đề án “Bảo tồn phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số M’Nông, Mạ, Êđê, Thái, Dao gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2023-2025”

Số hiệu 530/KH-UBND
Ngày ban hành 16/08/2023
Ngày có hiệu lực 16/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Tôn Thị Ngọc Hạnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 530/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 16 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “BẢO TỒN PHÁT HUY THỔ CẨM TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ M’NôNG, MẠ, ÊĐÊ, THÁI, DAO GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐẮK NÔNG, GIAI ĐOẠN 2023 - 2025”

Thực hiện Quyết định số 46/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông phê duyệt Đề án “Bảo tồn phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số M’Nông, Mạ, Êđê, Thái, Dao gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2023-2025” - sau đây viết tắt là Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện công tác bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số M’Nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2021 -2025.

- Việc bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số M’Nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phải gắn kết chặt chẽ với việc bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa khác như phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, văn học dân gian, lễ hội truyền thống; đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan như du lịch, giáo dục, an ninh, thông tin truyền thông, môi trường,...

- Gắn kết các loại hình di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số và huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Các hoạt động triển khai đúng yêu cầu thực tiễn, có tính trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số M’Nông, Mạ, Êđê, Thái, Dao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

- Xác định bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có nghề dệt truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như định hướng tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

- Công tác triển khai Kế hoạch phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, Ban, ngành, đơn vị, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hoá, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy; tuyên truyền quảng bá giá trị thổ cẩm truyền thống, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ mai một, thất truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU THỰC HIỆN

1. Mục tiêu tổng quát

- Bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số M’Nông, Mạ, Êđê, Thái, Dao gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông đáp ứng mục tiêu “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển” góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đưa sản phẩm thổ cẩm truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, đi vào ý thức thẩm mỹ và ý thức tự giác của các dân tộc, có lòng tự hào đối với văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

- Định hướng phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó phát triển các sản phẩm thổ cẩm truyền thống để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- 70% trở lên các bon, buôn đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghề dệt của người M’Nông, Mạ, Êđê, Thái, Dao.

- Xây dựng ít nhất 01 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đề nghị cấp thẩm quyền đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

- 70% bon, buôn (có nghề dệt thổ cẩm) trở lên được kiểm kê sưu tầm các mẫu hoa văn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số.

- 60% trở lên các nghệ nhân được truyền dạy các hoa văn cổ, hoa văn khó trang trí trên sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc thiểu số.

- Có từ 03-05 cá nhân được phong tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”, “nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực dệt thổ cẩm truyền thống.

- 60% nghệ nhân trở lên tại các bon, buôn có nghề dệt thổ cẩm được tham gia lớp tập huấn kỹ năng bảo tồn, phát huy thổ cẩm truyền thống các dân tộc thiểu số, kỹ năng ứng dụng trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để phục vụ khách du lịch.

- 60% nghệ nhân trở lên tại các bon, buôn được tham gia lớp truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm truyền thông các dân tộc thiểu số.

- Xây dựng ít nhất 02 mô hình bảo tồn và phát huy thổ cẩm truyền thống các dân tộc thiểu số (trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm về thổ cẩm truyền thống).

- Xây dựng ít nhất 02 mô hình tổ hợp tác dệt thổ cẩm nhằm bảo tồn và phát triển dệt, sản xuất, may sản phẩm, trang phục thổ cẩm truyền thống và hàng thủ công mỹ nghệ tại một số điểm đến phục vụ khách du lịch.

- Xây dựng ít nhất 01 mô hình dệt, trình diễn kỹ thuật dệt và các sản phẩm ứng dụng dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của các nghệ nhân và chuyên gia.

- Tổ chức ít nhất 01 cuộc Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số (trình diễn trang phục truyền thông và trang phục cách tân có sử dụng thổ cẩm) cấp tỉnh.

[...]