Kế hoạch 53/KH-UBND năm 2023 về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025

Số hiệu 53/KH-UBND
Ngày ban hành 03/03/2023
Ngày có hiệu lực 03/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 03 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TỈNH LẠNG SƠN ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) đến năm 2030; Quyết định số 2667/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN & ĐMST đến năm 2025, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch KHCN & ĐMST đến năm 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa nội dung Chiến lược phát triển KHCN & ĐMST đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chiến lược); Quyết định số 2667/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN & ĐMST đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

2. Xác định cụ thể nội dung công việc, trách nhiệm của các cấp, các ngành; đảm bảo triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả Chiến lược; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN & ĐMST đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách, pháp luật về KHCN & ĐMST.

2. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp để góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

3. Phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế về KHCN & ĐMST.

4. Phấn đấu mức chi của Nhà nước cho KH&CN đến năm 2025 đạt 01% trong tổng chi ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh việc huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư cho KH&CN.

5. Tiếp tục đổi mới cơ chế tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức KH&CN công lập theo hướng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

6. Số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KH&CN và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phấn đấu tăng 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 10%.

7. Tập trung nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN & ĐMST từ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai ứng dụng các thành tựu của công nghệ cốt lõi thúc đẩy tiêu chuẩn, đo lường năng suất chất lượng và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội và củng cố quốc phòng an ninh. Chuyển đổi số các quy trình quản lý chương trình, nhiệm vụ KH&CN, tiến tới quản lý, tác nghiệp trên môi trường mạng.

8. Số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ mới: 04; số nhãn hiệu tập thể/chứng nhận được bảo hộ mới: 10; số đơn đăng ký nhãn hiệu (thông thường) tăng trung bình 2%/năm; hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ: 03.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách pháp luật nhằm khuyến khích, phát triển hoạt động KHCN & ĐMST

1.1. Kịp thời quán triệt, triển khai các văn bản, quy định về KHCN & ĐMST; các quy định liên quan để phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong phát triển KHCN & ĐMST.

1.2. Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, tài sản công, thuế để khuyến khích, phát triển hoạt động KHCN & ĐMST; thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao.

1.3. Thực thi pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ; hỗ trợ bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ.

1.4. Kịp thời cụ thể hoá, sửa đổi, đồng bộ các quy định về quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH&CN các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, phù hợp với tiêu chí kết quả đầu ra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao, xử lý tài sản hình thành trong nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đóng góp kinh phí cùng với ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KHCN & ĐMST; các cơ chế tài chính cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, đồng thời hướng đến sản phẩm cuối cùng, lấy kết quả nghiên cứu làm mục tiêu.

1.5. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhân lực thực hiện nhiệm vụ KHCN & ĐMST các cấp gắn với việc hoạch định cơ chế, chính sách và định hướng phát triển khoa học, công nghệ.

1.6. Kịp thời cụ thể hoá chính sách pháp luật về đánh giá khoa học và định giá công nghệ. Tăng cường công tác dự báo, đánh giá trình độ, năng lực công nghệ sản xuất, lộ trình đổi mới công nghệ một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

1.7. Kịp thời triển khai và tăng cường thực hiện các chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho KHCN & ĐMST. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN, sử dụng hiệu quả Quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ; khuyến khích hợp tác công - tư trong lĩnh vực KHCN & ĐMST.

2. Hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của tỉnh

2.1. Đối với doanh nghiệp

Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Tăng cường hoạt động của Khu làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh nghiên cứu KHCN & ĐMST, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng.

[...]