Kế hoạch 5152/KH-UBND về khuyến công tỉnh Đồng Nai năm 2018

Số hiệu 5152/KH-UBND
Ngày ban hành 24/05/2018
Ngày có hiệu lực 24/05/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Trần Văn Vĩnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5152/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 24 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

KHUYẾN CÔNG TỈNH ĐỒNG NAI NĂM 2018

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công;

Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-UBND ngày 06/10/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Đồng Nai;

Căn cứ Quyết định số 59/2015/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của UBND tỉnh ban hành Quy định về việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;

Căn cứ Quyết định số 841/QĐ-UBND ngày 22/3/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020;

Xét Tờ trình số 1487/TTr-SCT ngày 02/5/2018 của Sở Công Thương, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch khuyến công tỉnh Đồng Nai năm 2018, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020; phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện, giám sát các hoạt động khuyến công của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định pháp luật;

b) Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới;

c) Hỗ trợ phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc các ngành có tiềm năng, thế mạnh và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ưu tiên hỗ trợ các cơ sở không gây ô nhiễm môi trường, có lợi thế xuất khẩu;

d) Thông qua hoạt động khuyến công, huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động, hạn chế gây ô nhiễm môi trường nông thôn.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tạo việc làm cho từ 270 lao động nông thôn; hỗ trợ trực tiếp cho 12 cơ sở công nghiệp nông thôn và có từ 170 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, từ 900 lượt cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, người lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn, cán bộ làm khuyến công được hỗ trợ gián tiếp thông qua các hoạt động khuyến công.

b) Tạo ra từ 150 đến 170 mẫu sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, 18 sản phẩm được vinh danh. Dự kiến từ 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 60 cá nhân được vinh danh nghệ nhân thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương năm 2018.

c) Khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn tự bỏ kinh phí khoảng 4,1 tỷ đồng cùng với một phần kinh phí hỗ trợ của tỉnh để đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.

II. NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH

1. Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề

 Tổ chức đào tạo nghề cho 385 lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn, ưu tiên các đơn vị thuộc vùng sâu vùng xa, các xã nông thôn mới. gắn lý thuyết với thực hành, giáo viên là các thợ giỏi, cán bộ kỹ thuật có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Kết thúc đào tạo nghề có ít nhất 327 lao động (tương đương 85% số lao động được đào tạo nghề) được các cơ sở sản xuất bố trí việc làm với thu nhập ổn định.

2. Nâng cao năng lực quản lý

a) Tập huấn về các nội dung khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh cho 400 học viên là chủ, cán bộ quản lý cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp tiềm năng. Thời gian học 02 ngày, giảng viên là các chuyên gia cao cấp của VCCI, các trường đại học, cao đẳng.

b) Tổ chức 02 đoàn với 24 người tham gia gồm cán bộ khuyến công cấp huyện, sở, ban, ngành liên quan, Cơ sở công nghiệp nông thôn khảo sát học tập kinh nghiệm tại các tỉnh miền Tây, miền Trung - Tây Nguyên về công tác quản lý nhà nước đối với khuyến công, công tác quản lý và phát triển các làng nghề; đồng thời giúp cơ sở công nghiệp nông thôn tìm kiếm đối tác trong nước, kết nối cung cầu, phát triển sản xuất...

3. Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến

 Hỗ trợ 01 mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ sản xuất gạch không nung tại địa bàn huyện Tân Phú để giới thiệu, phổ biến nhân rộng; hỗ trợ 07 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất.

4. Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

a) Tham gia 03 hội chợ triển lãm trong nước với khoảng 300 sản phẩm được quảng bá, giới thiệu; 900 lượt khách tham quan gian hàng; 03 - 04 hợp đồng ghi nhớ được ký kết; hỗ trợ kinh phí 20 gian hàng tham gia hội chợ triển lãm trong nước.

b) Hỗ trợ 01 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư trưng bày sản phẩm của đơn vị sản xuất để quảng bá sản phẩm thương hiệu trực tiếp đến với người tiêu dùng, tìm kiếm các đối tác, tiêu thụ sản phẩm và kết nối cung cầu.

[...]