Kế hoạch 51/KH-UBND năm 2022 về nâng cao năng lực ứng phó chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn tại các cảng biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Số hiệu 51/KH-UBND
Ngày ban hành 04/04/2022
Ngày có hiệu lực 04/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Nguyễn Văn Thọ
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 04 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO NĂNG LỰC ỨNG PHÓ CHỐNG KHỦNG BỐ VÀ CỨU HỘ, CỨU NẠN TẠI CÁC CẢNG BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh ven biển, thuộc khu vực Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh, phí Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Nam giáp Biển Đông. Diện tích tự nhiên khoảng 1.980 km2, dân số khoảng 1.167.938 người (dân số thành thị chiếm 58,49% dân số toàn tỉnh). Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, tập trung nhiều mục tiêu, công trình kinh tế trọng điểm thuộc ngành nghề kinh tế mũi nhọn như dầu khí, điện, đạm, cảng biển; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, an ninh chính trị và trật tự xã hội luôn được đảm bảo. Đặc biệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế cảng nước sâu để phát triển mạnh về kinh tế biển, đây là cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Nam Bộ với hệ thống cảng nước sâu quy mô, hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới. Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng biển đặc biệt, được quy hoạch với chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, cỡ tàu container trọng tải 80.000 ÷ 250.000 DWT (6.000 ÷ 240000 TEU) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; tàu tổng hợp, hàng lỏng/ khí trọng tải đến 150.000 DWT hoặc lớn hơn giảm tải phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải. Trong đó, tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải là một trong những tuyến luồng hàng hải quan trọng của cả nước với mật độ tàu thuyền dày đặc, tập trung các cảng biển lớn có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải lớn lên đến 160.000 DWT. Vì vậy, công tác đảm bảo an ninh, an toàn tuyến luồng hàng hải và tại các cảng biển là rất cần thiết, cấp bách.

Những năm gần đây, tình hình bất ổn chính trị, biểu tình, bạo loạn, khủng bố diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, diễn biến ngày càng phức tạp. Tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, thời gian qua tình hình an ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, ổn định, tạo đà phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy chưa xảy ra vụ việc khủng bố, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khủng bố, phá hoại, đặc biệt là do các cá nhân, tổ chức khủng bố gây ra như “Việt tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều đại Việt”. Các tổ chức này luôn tìm mọi cách để chống phá Việt Nam, tính chất hoạt động ngày càng manh động, phức tạp, theo xu hướng bạo động, mang tính chất khủng bố, phá hoại.

Từ tình hình trên, để chủ động trong công tác phòng ngừa và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 28/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cn cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch nâng cao năng lực ứng phó chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn tại các cảng biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Bảo đảm an ninh, an toàn cảng biển góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng biển, phục vụ phát triển kinh tế của địa phương.

Xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao năng lực ứng phó chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải cho các cấp lãnh đạo, quản lý, nhân viên, người lao động làm việc trong lĩnh vực hàng hải, cảng biển trên địa bàn tỉnh.

Quán triệt đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động cảng biển, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn; từ đó, phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao cảnh giác và luôn có ý thức chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó có hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả khi xảy ra tình huống khủng bố hoặc sự cố hàng hải tại các cảng biển.

2. Yêu cầu

Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố và đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cảng biển trong quản lý, vận hành, khai thác và trong xử lý vụ việc khủng bố, sự cố, tai nạn hàng hải.

Công tác phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải phải lấy phòng ngừa là chính và phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị cơ sở theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Các lực lượng chuyên trách, chính quyền địa phương nơi có cảng biển, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhất là doanh nghiệp cảng biển phải luôn chủ động về phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống khủng bố và sự cố, tai nạn hàng hải.

Trong ứng phó, xử lý tình huống khủng bố, cứu hộ, cứu nạn phải đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy, các lực lượng phối hợp đồng bộ, triển khai biện pháp nhanh chóng, kịp thời, thích hợp đảm bảo an toàn con người, tài sản, phương tiện, môi trường.

II. PHẠM VI, LỰC LƯỢNG THAM GIA, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi áp dụng

Các cảng biển thuộc địa giới hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trên các tuyến luồng hàng hải thuộc địa giới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

2. Lực lượng tham gia

Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lực lượng làm công tác đấu tranh phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn trực thuộc Công an, Quân sự, Biên phòng, Cảng vụ.

Các sở, ban, ngành liên quan (như Công an, Quân sự, Biên phòng, Sở Giao thông vận tải, SThông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế...) và chính quyền địa phương nơi có cảng biển (UBND thành phố Vũng Tàu, UBND thị xã Phú Mỹ).

Các lực lượng chức năng liên quan đến công tác quản lý, giám sát hoạt động tại các cảng biển như: Cảng vụ, Biên phòng, Cảnh sát PCCC, Cảnh sát đường thủy...

Các cảng biển và các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động liên quan cảng biển trên địa bàn tỉnh: các công ty đang trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành, kinh doanh tại cảng; các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ hậu cần cảng biển; quản lý, vận hành các đội tàu đi lại trên các tuyến luồng hàng hải ra vào các cảng biển; doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn hàng hải...

3. Thời gian thực hiện

Kế hoạch được thực hiện thường xuyên, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 28/7/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ 2022 đến năm 2025, định hướng những năm tiếp theo.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC ỨNG PHÓ CHỐNG KHỦNG BỐ VÀ CỨU HỘ, CỨU NẠN HÀNG HẢI

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải

Nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản pháp lý, điều ước quốc tế liên quan hoạt động hàng hải, cảng biển và phòng, chống khủng bố, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải; xem nhiệm vụ phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng biển của tỉnh. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn hàng hải tại các cảng biển thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

[...]