Kế hoạch 4952/KH-UBND năm 2016 phát triển nghề Công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 4952/KH-UBND
Ngày ban hành 23/11/2016
Ngày có hiệu lực 23/11/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Mai Thức
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 4952/KH-UBND

Quảng Trị, ngày 23 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH QUẢNG TRỊ, GIAI ĐOẠN 2016-2020.

Thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội, giai đoạn 2010-2020; Quyết định số 990/QĐ-LĐTBXH ngày 22/7/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án phát triển nghề Công tác xã hội, giai đoạn 2016- 2020; UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng Kế hoạch phát triển nghề Công tác xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung: Nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và người dân về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hình thành các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và người dân về nghề công tác xã hội.

b) Phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác.

c) Đào tạo, đào tạo lại bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50% (1.000) cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp tại địa phương.

d) Xã hội hóa các hoạt động công tác xã hội theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng và cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

II. NỘI DUNG:

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông hàng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về hoạt động công tác xã hội.

- Xây dựng Sổ tay hướng dẫn hoạt động công tác xã hội cho cấp cơ sở và viên chức, nhân viên công tác xã hội.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phát triển nghề công tác xã hội; phát triển mạng lưới viên chức, nhân viên và mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

2. Thống kê, thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu phát triển nghề công tác xã hội:

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về đối tượng của công tác xã hội, đội ngũ viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và các nội dung khác.

- Thống kê, thu thập, xử lý thông tin về nghề công tác xã hội, thiết lập xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ yêu cầu chỉ đạo, quản lý các cấp, các ngành.

3. Phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội:

- Khuyến khích hình thức hợp tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hình thức quản lý cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, bảo đảm phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực y tế giáo dục và các tổ chức chính trị - xã hội. Hình thành và phát triển mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trong hệ thống trường học, bệnh viện và các lĩnh vực khác; trong đó, tập trung phát triển các dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, giải quyết vấn đề nghèo đói và những vấn đề xã hội khác.

- Xây dựng, củng cố, phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội lồng ghép với các chương trình, đề án về người cao tuổi, trợ giúp người khuyết tật trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bình đẳng giới và phát triển nghề công tác xã hội.

4. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại và tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội:

- Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng để nâng cao năng lực cho 1.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội.

- Đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ quản lý công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Sở Lao động - Thương binh Xã hội, các Trung tâm bảo trợ xã hội và các cơ sở trợ giúp xã hội khác.

- Áp dụng mã số ngạch, chức danh, bậc lương, tiêu chuẩn nghiệp vụ cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, bao gồm: Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị; Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị; các cơ sở tham vấn, tư vấn theo nhóm đối tượng của công tác xã hội là người già, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người nhiễm HIV/AIDS, người tâm thần, người nghiện ma túy và các đối tượng khác.

5. Giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch:

[...]