Kế hoạch 49/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 49/KH-UBND
Ngày ban hành 09/04/2020
Ngày có hiệu lực 09/04/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Ngọc Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 09 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Để chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đạt hiệu quả và theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 484/SYT-TTr ngày 01/4/2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020 (sau đây gọi tắt là dịch bệnh) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể như sau:

A. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

I. Tình hình dịch bệnh trong nước năm 2019

Tại Việt Nam, trong năm 2019 không ghi nhận sự xâm nhập của các bệnh nguy hiểm mới nổi, các bệnh dịch lưu hành tiếp tục được khống chế, tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm lưu hành thấp hơn so với trung bình giai đoạn 5 năm qua, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, các bệnh truyền nhiễm có vắc xin tiêm phòng có tỷ lệ mắc giảm mạnh do duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao: Tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, Bệnh tay chân miệng giảm 19,2%, Bệnh viêm não vi rút giảm 21,3%, Bệnh viêm não Nhật Bản giảm 49,8%, Bệnh sốt rét: Giảm 10,9%, Bệnh tả: Trong 8 năm trở lại đây không ghi nhận trường hợp mắc.

Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm còn lưu hành như sốt xuất huyết có số mắc gia tăng cục bộ tại một số địa phương vào các tháng cao điểm, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; bệnh sởi ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố; cúm gia cầm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), cúm A(H7N9) trên người tuy nhiên vẫn ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N1), cúm A(H5N6) trên các đàn gia cầm tại một số tỉnh, thành phố.

Cuối năm 2019, bệnh viêm đường hô hấp do SARS-CoV-2 xuất hiện tại Trung Quốc và bắt đầu lây lan ra các nước trên thế giới, đến nay dịch bệnh đã bùng phát mạnh tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra. Dịch bệnh COVID-19 đang lây lan tại các tỉnh, thành trên cả nước gây ảnh hưởng mọi mặt đời sống, kinh tế xã hội.

II. Tình hình mắc một số bệnh truyền nhiễm trong tỉnh những năm gần đây và năm 2019

Trong 5 năm (2015 - 2019) tại Quảng Ngãi cho thấy 10 bệnh có số ca mắc cao nhất lần lượt là: Tiêu chảy, cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ trực trùng, quai bị, thủy đậu, lỵ a mip, viêm não vi rút, sốt rét.

1. Phân tích tình hình dịch bệnh theo 5 nhóm bệnh cơ bản

a) Nhóm các bệnh đường tiêu hóa

- Bệnh chân tay miệng: Sau đợt bùng phát bệnh năm 2011 số ca mắc có xu hướng giảm dần. Trong năm 2019, bệnh ghi nhận tại 136/184 xã, phường của 14/14 huyện, thành phố với 1.595 ca mắc (0 tử vong). So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc giảm 25,41% (2.115 ca). Bệnh tăng mạnh từ tháng 8 đến tháng 11 và có xu hướng giảm dần vào cuối năm. Địa phương có số ca mắc/100.000 cao nhất tỉnh: Minh Long (375,92),Thành phố (241,21), Tư Nghĩa (214,10), Sơn Tịnh (138,92), Bình Sơn (108,16). Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu trẻ dưới 5 tuổi chiếm 94,6% và 78,2% mắc tại nhà.

- Bệnh tiêu chảy: Xảy ra quanh năm, thường có xu hướng tăng vào đầu năm và giảm vào những tháng cuối năm. Tính trung bình hàng tháng có gần 600 trường hợp mắc. Năm 2019, bệnh tiêu chảy có số trường hợp mắc giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018 và giảm 9,96% so với trung bình từ 2015-2019

- Bệnh lỵ trực trùng: Năm 2019 ghi nhận 276 trường hợp mắc, không có tử vong, số trường hợp mắc giảm 16,1 % so với cùng kỳ năm 2018 (329 trường hợp) và giảm 11% so với trung bình 5 năm (2015-2019).

- Lỵ a mip: Năm 2019 số trường hợp mắc (274 trường hợp) giảm 30% so với năm 2018 (256 trường hợp).

b) Nhóm các bệnh do muỗi truyền

- Bệnh sốt xuất huyết: Năm 2019 số ca mắc trên địa bàn là 3.777 ca. So với cùng kỳ 2018, số mắc tăng 3.76 lần. Từ năm 2015 - 2019, sốt xuất huyết tăng giảm có chu kỳ hàng năm, đỉnh dịch tập trung từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Bệnh tập trung chủ yếu ở các huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Tịnh và thành phố Quảng Ngãi.

- Bệnh sốt rét: Năm 2019 toàn tỉnh ghi nhận 09 bệnh nhân sốt rét (01 nội địa, 08 ngoại lai) giảm 57% so với năm 2018. Tử vong do sốt rét: Không.

c) Nhóm dịch bệnh có vắc xin phòng bệnh

- Từ năm 2015-2019 các bệnh có vắc xin phòng bệnh ghi nhận số trường hợp mắc thấp. Năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận 31 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tử vong 03 (01 Tây Trà, 02 Sơn Hà). So với năm 2018 số trường hợp mắc bạch hầu tăng 30 trường hợp, tử vong tăng 02 trường hợp. Hầu hết các trường hợp này đều không được tiêm phòng đầy đủ; ghi nhận 02 trường hợp mắc ho gà: 01 thành phố Quảng Ngãi, 01 Tư Nghĩa, cả 02 trường hợp đều chưa đến tuổi tiêm chủng.

- So với các bệnh được đưa vào tiêm chủng thường xuyên, các bệnh không được đưa vào tiêm chủng thường xuyên có tỷ lệ mắc cao nhất trong 5 năm gần đây (2015-2019) như quai bị, thủy đậu.

d) Nhóm dịch bệnh lây từ động vật: Từ năm 2015 đến năm 2019, số người tiêm vắc xin dại ngày càng tăng; năm 2019 toàn tỉnh ghi nhận 10.474 người tiêm vắc xin dại và 2.498 người tiêm huyết thanh kháng dại, tăng lần lượt 3,22% và 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2019 ghi nhận 01 trường hợp tử vong tại xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà do không tiêm vắc xin dại.

e) Nhóm dịch bệnh mới nổi

- Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân: Năm 2019 không ghi nhận trường hợp mắc mới. Tích lũy từ khi xuất hiện 19/4/2011 đến nay toàn tỉnh ghi nhận 241 trường hợp tại huyện Ba Tơ (xã Ba Xa, Ba Vinh, Ba Ngạc, Ba Tô, Ba Điền, Ba Nam) và huyện Sơn Hà (xã Sơn Ba) trong đó có 16 trường hợp tử vong.

- Các bệnh Zika, Mer-CoV, Ebola, Cúm A, Whitmore, COVID-19... Không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên địa bàn tỉnh.

III. Nhận định, dự báo

- Trong khi các nguồn nhân lực, vật lực, tài chính phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh còn không ít thiếu thốn, hạn chế.

[...]