Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 48/KH-UBND thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024

Số hiệu 48/KH-UBND
Ngày ban hành 05/03/2024
Ngày có hiệu lực 05/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Hoàng Tuấn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 05 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI NĂM 2024

Thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; và theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 20/TTr-SLĐTBXH ngày 23/02/2024, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong tỉnh với các tỉnh, thành phố trong nước và thị trường lao động nước ngoài.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 32,1%.

- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 1,5%.

- Giải quyết cho số lao động có việc làm tăng thêm khoảng 7.000-10.000 lao động, trong đó vận động lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 1.000 người.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 64,4%.

- Tỷ lệ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trên tổng lực lượng lao động trong độ tuổi là 24-25%.

- Đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động của tỉnh hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin, cụ thể: Có 100% người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc được tư vấn miễn phí khi có nhu cầu. Có 85% người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu; trong đó có trên 64% được giới thiệu việc làm thành công.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động

- Nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nội dung đào tạo gắn liền với thực tiễn, đào tạo theo vị trí việc làm, theo nhu cầu thị trường lao động, đồng thời doanh nghiệp tham gia vào chương trình đào tạo và giám sát cả quá trình đào tạo.

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 788/QĐ-UBND ngày 21/6/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 26/7/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Kế hoạch số 209-KH/TU ngày 27/6/2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thu, nộp và hoàn thuế để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

2. Hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động

- Nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ việc thu thập, lưu trữ số liệu, phân tích và dự báo về cung - cầu lao động phục vụ yêu cầu quản lý, phân tích, chia sẻ, công bố thông tin về thị trường lao động. Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp/trực tuyến nhằm kết nối thông tin thị trường lao động của tỉnh, kết nối với các địa phương ngoài tỉnh.

- Tăng cường thông tin, kết nối cung - cầu lao động, thúc đẩy việc làm; triển khai kết nối, truyền tải, chia sẻ cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu đến với người dân.

- Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự làm công tác dịch vụ việc làm về kiến thức và kỹ năng thu thập, xử lý, khai thác thị trường lao động phục vụ tư vấn, giới thiệu việc làm.

- Lồng ghép vốn và thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo thực chất, hiệu quả, gắn giải quyết sinh kế, tạo việc làm, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững, đảm bảo mức sống tăng dần; gắn kết chặt chẽ đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội.

3. Hỗ trợ phát triển mạng lưới an sinh và bảo hiểm

- Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhằm bảo đảm đời sống của người dân và duy trì sản xuất.

- Thúc đẩy vai trò và hoạt động của tổ chức Công đoàn, các hội nghề nghiệp để phát triển thành viên, kết nối, chia sẻ trao đổi thông tin giữa người lao động làm việc trong cùng lĩnh vực, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi cho lao động.

- Xây dựng cơ chế cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý cho người lao động tham vấn khi cần thiết.

- Đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội cung cấp cho người lao động về hình thức, phương thức, mức đóng góp và mức được hưởng; đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng cơ chế cung cấp các hỗ trợ hành chính và pháp lý cần thiết cho người lao động tham gia các chương trình an sinh tự nguyện.

[...]