Kế hoạch 196/KH-UBND năm 2022 hỗ trợ phát triển thị trường lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023

Số hiệu 196/KH-UBND
Ngày ban hành 18/10/2022
Ngày có hiệu lực 18/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Đặng Minh Thông
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 196/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 18 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU NĂM 2023

Căn cứ Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1617/QĐ-UBND ngày 17/6/2021 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2025;

UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023 cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động một cách hiệu quả.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Tạo việc làm cho người lao động:

- Năm 2023 tạo việc làm tăng thêm cho 11.000 lao động.

- Tỷ lệ thất nghiệp: 2,6%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 81%.

b) Đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động:

Năm 2023 có 40% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, trên 35% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp.

c) Đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động:

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên giao dịch việc làm.

- Nâng cao hiệu quả tuyên truyền các chính sách lao động việc làm và xuất khẩu lao động.

- Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh vào học nghề. Xây dựng chương trình hướng nghiệp đa dạng về nội dung, đối tượng và hình thức, linh hoạt địa điểm, tăng cường chất lượng đội ngũ nhân sự tham gia tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.

- Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo hướng tăng nội dung thực hành nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.

- Nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm: kết nối nhu cầu nguồn nhân lực theo từng ngành nghề của các dự án đầu tư lớn trong và ngoài khu công nghiệp với nguồn cung nhân lực tại các cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn tỉnh; đồng thời cung cấp thông tin nhu cầu nguồn nhân lực để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp định hướng, điều chỉnh kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu nhân lực.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo và người khuyết tật; gắn đào tạo nghề với chiến lược, phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững theo Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo và người khuyết tật của UBND tỉnh.

- Nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút lao động chất lượng cao, trong đó chú trọng chính sách về nhà ở, lương thưởng, điều kiện sinh hoạt, làm việc.

- Rà soát, đơn giản hóa thủ tục về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thu, nộp và hoàn thuế để nâng cao hiệu quả.

2. Hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu

[...]