Kế hoạch 472/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Quyết định 630/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 472/KH-UBND
Ngày ban hành 21/08/2020
Ngày có hiệu lực 21/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Lê Hồng Vinh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 472/KH-UBND

Nghệ An, ngày 21 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 630/QĐ-TTG NGÀY 11/5/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ TIẾP TỤC HOÀN THIỆN, NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

Thực hiện Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (sau đây viết tắt là Quyết định số 630/QĐ-TTg); Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (viết tắt là Nghị quyết số 99/2019/QH14) và Quyết định số 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 đã được Đoàn Giám sát của Quốc hội nêu tại Báo cáo số 41/BC-ĐGS ngày 17/10/2019 về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”.

2. Yêu cầu

- Các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phải thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

- Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; đề cao tính chủ động của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm tập trung, thống nhất, phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện, không để bị động bất ngờ; kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát sinh, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Công tác tham mưu, xây dựng ban hành văn bản chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

- Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trọng tâm là: Luật Phòng cháy, chữa cháy; Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 17/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Tập trung rà soát, nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy, chữa cháy, các quy định của pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy (thực hiện từ năm 2020 và các năm tiếp theo).

- Rà soát các cơ sở, công trình, phương tiện giao thông có tính chất đặc thù của địa phương để xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình, đối tượng đặc thù nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (hoàn thành trong năm 2022).

- Nghiên cứu xây dựng, đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định về việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực (hoàn thành trong năm 2021).

2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cho mọi tầng lớp nhân dân; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy (thực hiện từ năm 2020 và các năm tiếp theo).

- Chỉ đạo cơ quan báo chí, truyên truyền tại địa phương tăng cường xây dựng tin, bài, phóng sự, hướng dẫn các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng cấp học, bậc học; thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn (thực hiện từ năm 2020 và các năm tiếp theo).

3. Tập trung xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

- Phối hợp triển khai thực hiện “thí điểm giao nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở” khi có yêu cầu (bắt đầu trong Quý I năm 2021).

- Xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sâu rộng, với phương châm “4 tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành (thực hiện từ năm 2020 và các năm tiếp theo).

- Chỉ đạo tiến hành tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm thống nhất, chặt chẽ khi xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, nhất là các vụ việc phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia (hoàn thiện trong Quý IV năm 2020).

- Xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo hướng tự phòng, tự quản về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại cụm dân cư, cụm doanh nghiệp; giải quyết chế độ, chính sách kịp thời, thỏa đáng đối với người bị thương, hi sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chỉ đạo vận động, khuyến khích người dân tình nguyện tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh và các huyện, thành, thị tại địa phương phù hợp với yêu cầu thực tế (hoàn thiện trong Quý IV năm 2020).

4. Xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy

- Khi xem xét quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải xem xét tới quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy; tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành để bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (thực hiện từ năm 2020 và các năm tiếp theo).

- Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch di dời kho chứa sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh loại hàng, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ra khỏi khu dân cư, nơi tập trung đông người bảo đảm khoảng cách an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy (thực hiện trong Quý IV năm 2020).

[...]