Kế hoạch 47/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 47/KH-UBND
Ngày ban hành 22/06/2022
Ngày có hiệu lực 22/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Nguyễn Trung Hoàng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/KH-UBND

Trà Vinh, ngày 22 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG TỈNH TRÀ VINH GIAI ĐOẠN 2022 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Cụ thể hóa để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 (sau đây viết tắt là Chiến lược).

- Phân công nhiệm vụ cụ thể, thời gian hoàn thành của các cấp, các ngành và đơn vị có liên quan; yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao dựa trên lợi thế của từng địa phương góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa thành thị và nông thôn. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân trên 5%/năm.

- Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1,5 - 2%/năm.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 30%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.

- Có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 70% xã nông thôn mới nâng cao (trong đó có 40% xã nông thôn mới kiểu mẫu); 4/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có ít nhất 01 đơn vị cấp huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu), Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025.

- Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 4,45%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 4.000 ha.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Phấn đấu Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh có kinh tế nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN BỀN VỮNG

1. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường

Tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của từng tiểu vùng, địa phương theo 3 nhóm sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương) cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng tiểu vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

a) Định hướng theo nhóm sản phẩm chủ lực:

- Đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia có sản xuất trên địa bàn tỉnh, như: Lúa gạo, cây ăn quả, rau, thịt heo, thịt và trứng gia cầm, cá tra, tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng): Tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững thông qua hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thống nhất áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất bền vững (VietGAP, GlobalGAP,...) hoặc theo yêu cầu cụ thể từng thị trường; đảm bảo số hóa vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở doanh nghiệp kinh doanh, chế biến. Tranh thủ nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các chuỗi giá trị gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, góp phần phát triển thương hiệu quốc gia. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực quốc gia; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.

- Đối với nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh: Tập trung phát triển các nhóm sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của tỉnh được xác định tại Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 27/12/2017 của Tỉnh ủy và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh. Đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng cường chế biến đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia có sản xuất trên địa bàn tỉnh được xác định nêu trên cũng là nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh cần tập trung phát triển sản xuất quy mô lớn, tăng cường liên kết giữa các địa phương, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp và nguồn lực để mở rộng quy mô, chất lượng và thương hiệu sản phẩm.

- Đối với nhóm sản phẩm đặc sản địa phương: Tập trung triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm được xác định trong Đề án “Phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Trà Vinh; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân; thúc đẩy tổ chức và đảm bảo giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn. Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa theo Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 08/1/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

b) Đối với từng lĩnh vực sản xuất chính:

- Trồng trọt: Đẩy mạnh chuyển đổi và đổi mới cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế từng địa phương và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý linh hoạt mục đích sử dụng đất nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế ngành sản xuất trọng điểm, đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế so sánh và nhu cầu lớn (cây dừa, cây ăn trái, lúa gạo chất lượng cao và một số loại hoa màu...); hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn; khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, hiệu quả, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Riêng đối với sản xuất lúa gạo: Đổi mới về tư duy, cơ chế quản lý, sử dụng đất trồng lúa và sản xuất lúa gạo từ tập trung phát triển về sản lượng sang coi trọng chất lượng, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước một cách hiệu quả nhất. Quản lý chặt chẽ diện tích đất chuyên trồng lúa để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn với cơ chế, chính sách đầu tư phù hợp, đồng bộ, hiệu quả và bền vững tại các địa bàn thuận lợi, như tiểu vùng ngọt và ngọt hóa thuộc các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, một phần của huyện Trà Cú và Cầu Ngang. Thực hiện chế độ quản lý, sử dụng quỹ đất lúa linh hoạt, phản ứng kịp thời với thay đổi thị trường, duy trì các vùng sản xuất nông nghiệp đa canh khi cần có thể quay về sản xuất lúa một cách thuận lợi; kết hợp luân canh, xen canh giữa lúa với các cây trồng khác và thủy sản, chăn nuôi thủy cầm để tăng thu nhập cho người nông dân và cải thiện hệ thống canh tác.

- Chăn nuôi: Tập trung phát triển các loại hình, vật nuôi có tiềm năng và thị trường tiêu thụ, như: thịt gia cầm, trứng; duy trì chăn nuôi heo và bò, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường; an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn; khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi an toàn sinh học và hữu cơ. Xây dựng vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh. Quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Tổ chức lại chăn nuôi theo hướng hợp tác liên kết chuỗi giá trị ngành hàng gắn xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, từng bước chuyển từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán kém hiệu quả sang chăn nuôi trang trại, gia trại và chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp; tổ chức lại chăn nuôi nông hộ sử dụng các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; tạo khối lượng hàng hóa lớn, đồng nhất phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và mang lại giá trị kinh tế cao; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi an toàn sinh học và công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo đúng quy định về bảo vệ môi trường. Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư và liên kết, hợp tác phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học và giết mổ tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác giống, chủ động phòng chống, giám sát, kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến tình hình phát triển chăn nuôi, nhất là bệnh Dịch tả heo Châu Phi, Lở mồm long móng đàn gia súc và cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc thú y, kịp thời ngăn chặn không để xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh và các chất tăng trọng để tạo ra sản phẩm chăn nuôi sạch.

- Thủy sản: Phát triển ngành thủy sản thành ngành sản xuất trọng điểm, đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu, trong đó:

+ Phát triển ngành nuôi thủy sản theo hướng nuôi tập trung, công nghiệp, công nghệ hiện đại với các cơ sở sản xuất quy mô lớn; đối với hộ quy mô nhỏ thì áp dụng công nghệ cải tiến, nuôi hữu cơ,... Ưu tiên phát triển vùng nuôi chuyên canh chính cho các sản phẩm chiến lược, như: tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), cá tra, ứng dụng công nghệ hướng đến tái tạo và tái sử dụng nước thải nuôi trồng, chế biến thủy sản, giảm sức ép cho môi trường. Hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi phục vụ thủy sản tại các vùng nuôi chuyên canh. Tổ chức liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp sản xuất lớn với hộ nông dân sản xuất nhỏ, thông qua phát triển kinh tế hợp tác, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sản xuất. Chủ động cung ứng các đầu vào thiết yếu (giống, thức ăn, thuốc) và chế biến thủy sản. Củng cố phát triển nuôi trồng thủy sản ven bờ kết hợp trồng và bảo vệ rừng ngập mặn.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ