Kế hoạch 4624/KH-UBND năm 2021 về Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 4624/KH-UBND
Ngày ban hành 06/08/2021
Ngày có hiệu lực 06/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Thị Bé Mười
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4624/KH-UBND

Bến Tre, ngày 06 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20 tháng 10 năm 2020 của Tỉnh ủy Bến Tre về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2581/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025”, cụ thể như sau:

I. HIỆN TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ

- Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 2.061/2.392 công chức có trình độ tin học, đạt 86,2% (chứng chỉ công nghệ thông tin, trung cấp trở lên). Trong đó, công chức cấp tỉnh: 844/947 người (89%), công chức cấp huyện: 776/836 (92,8%), công chức là thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp: 441/609 người (72,4%). Tổng số cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về công nghệ thông tin: 46 người; riêng huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm và Chợ Lách chưa bố trí cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin (trong đó: số lượng cán bộ chuyên trách 30 người (cấp tỉnh 23 người; cấp huyện 07 người); số lượng cán bộ kiêm nhiệm 16 người (cấp tỉnh 09 người; cấp huyện 07 người). Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về công nghệ thông tin: 02 thạc sĩ, 33 đại học, 02 cao đẳng và 09 có trình độ trung cấp hoặc hiểu biết về công nghệ thông tin. Đối với doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin là 95 doanh nghiệp. Tổng số lao động công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp công nghệ thông tin là 587 người.

- Nguồn nhân lực công nghệ thông tin ngành giáo dục: Năm học 2019-2020, toàn ngành giáo dục có 100% đơn vị thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công việc; Hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên biết sử dụng máy tính, các đơn vị đều có cán bộ kiêm nhiệm phụ trách CNTT (chưa có cán bộ chuyên trách); Các cấp học có 542 giáo viên dạy môn Tin học; Tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên các đơn vị trường học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT (có chứng chỉ tin học A, B, trình độ cơ bản, nâng cao…) đạt tỷ lệ trung bình khoảng 70%: Cấp Mẫu giáo, Mầm non đạt 62,8%, Cấp tiểu học đạt 83,2%, Cấp trung học cơ sở đạt 76%, Cấp trung học phổ thông đạt 87,5%, giáo dục thường xuyên đạt 46,5%.

II. SỰ CẦN THIẾT PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ

Việc xây dựng kế hoạch đào tạo kiến thức, kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực là nền tảng để đảm bảo công cuộc chuyển đổi số đi đến thành công. Cùng với việc đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhu cầu nguồn nhân lực am hiểu và có kỹ năng sâu về chuyển đổi số, công nghệ số, kinh tế số, xã hội số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết. Trong khi đó, đội ngũ nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, đa phần các cán bộ công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp hiện nay chưa được đào tạo chuyên sâu về công nghệ số, chưa có các chứng chỉ của các tổ chức có uy tín trong nước, quốc tế.

Mặt khác, công cuộc chuyển đổi số mang tính tổng thể và toàn diện, do đó đòi hỏi các đối tượng liên quan, từ các cán bộ lãnh đạo quản lý, đội ngũ công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, cho đến người lao động trong các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đều phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng số, hình thành các nhà quản lý số, công nhân số và công dân số. Theo đó, việc đào tạo, phát triển nhân lực chuyển đổi số là việc cấp bách, là nền tảng quan trọng để đảm bảo thành công cho các chương trình mục tiêu về chuyển đổi số.

III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ MỤC TIÊU

1. Mục đích, yêu cầu

- Công cuộc chuyển đổi số bao gồm 03 trụ cột chính là xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Để phát triển 03 trụ cột này đòi hỏi một lực lượng nhân lực rất lớn, có chuyên môn sâu về công nghệ số và kỹ năng số. Do đó, xây dựng, phát triển được lực lượng nhân lực chuyển đổi số, đội ngũ chuyên gia công nghệ số nhằm đáp ứng yêu cầu cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần đảm bảo tiến trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhanh, hiệu quả và bền vững.

- Đào tạo kỹ năng chuyển đổi số, công nghệ số, dịch vụ số, kinh doanh số, xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số là yếu tố then chốt, góp phần đảm bảo công cuộc chuyển đổi số thành công.

- Việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết, góp phần quan trọng để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số theo kịp thời đại.

- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số cần xác định rõ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng bổ sung, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số với nội dung cụ thể, phù hợp với từng đối tượng nhà quản lý, công chức, viên chức, người lao động và người dân.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

- Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thông qua hoạt động đào tạo, trang bị kiến thức chuyển đổi số, kỹ năng số và công nghệ số cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức.

- Nhanh chóng đào tạo đội ngũ chuyên gia chuyển đổi số đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực.

- Xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số từ tỉnh đến cấp xã với đội ngũ nhân lực được tổ chức bài bản, đồng bộ, thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số để trực tiếp triển khai công tác chuyển đổi số đến từng cơ quan, tổ chức, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công, dịch vụ xã hội trực tuyến tới từng người dân trên địa bàn.

b) Mục tiêu cụ thể

- 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh có kế hoạch tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, công nghệ số, kinh tế số, xã hội số cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Mỗi năm tổ chức được 01 chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kỹ năng số quy mô toàn quốc, trải rộng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

- Đào tạo chuyên gia chuyển đổi số thuộc các ngành, lĩnh vực và địa phương để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

- Trên 80% cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước được đào tạo ngắn hạn về chuyển đổi số, kỹ năng số, trong đó đào tạo ngắn hạn cho cán bộ lãnh đạo, cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ và cho các công chức, viên chức và người lao động.

[...]