Kế hoạch 45/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình hành động về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 45/KH-UBND
Ngày ban hành 01/03/2023
Ngày có hiệu lực 01/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Hồ Thị Nguyên Thảo
Lĩnh vực Bất động sản,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/KH-UBND

Phú Yên, ngày 01 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH, NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT, TẠO ĐỘNG LỰC ĐƯA NƯỚC TA TRỞ THÀNH NƯỚC PHÁT TRIỂN CÓ THU NHẬP CAO

Thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 01/12/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao;

Thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-UBND ngày 14/02/2023 của UBND tỉnh về 02 nội dung thuộc lĩnh vực đất đai do Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đề xuất;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường (tại Công văn số 265/STNMT-QLĐĐ ngày 02/02/2023 và số 382/STNMT-QLĐĐ ngày 14/02/2023), UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Hoàn thiện các quy định về quản lý và sử dụng đất đồng bộ với các quy định pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần tạo động lực để địa phương phát triển, có thu nhập cao. Thị trường bất động sản tiên địa bàn, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, từng bước trở thành kênh phân bổ một phần nguồn lực đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.

b) Mục tiêu cụ thể:

* Đến năm 2025:

- Sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) và một số luật liên quan có hiệu lực thi hành thì tổ chức triển khai thi hành luật và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.

- Cơ bản hoàn thành việc kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh;

- Cung cấp tối thiểu 80% thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4. Trong số đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 70%; tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai đạt tối thiểu 85%;

- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện) bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát.

- Giải quyết những tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng đất công ích; trong đó thực hiện đăng ký đất đai đúng quy định; lập sổ, hồ sơ theo dõi chi tiết đến từng thửa đất. Tổ chức thanh, kiểm tra, giám sát UBND cấp xã công tác quản lý, sử dụng quỹ đất công ích để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất này; xử lý nghiêm những trường hợp buông lỏng quản lý để quỹ đất này bị lấn, chiếm, sử dụng không đúng mục đích.

- Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất như: Đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số...

* Đến năm 2030:

- Tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền của địa phương để đảm bảo đầy đủ, trong đó lưu ý cần phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định cấp trên và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; đồng thời cần phải khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, đất để hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.

2. Yêu cầu:

- Nhằm tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 01/12/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

- Kế hoạch xác định các nhiệm vụ chủ yếu, có phân công cụ thể để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

- Yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình để triển khai thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 01/12/2022 của Tỉnh ủy.

- Tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn hoàn thành việc phổ biến, quán triệt toàn diện các nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 01/12/2022 của Tỉnh ủy đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu đúng, đầy đủ về đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhất là về quyền và nghĩa vụ của nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được nhà nước giao quyền sử dụng đất. Xác định rõ đất đai là nguồn lực to lớn cần được phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; không để xảy ra tình trạng bị suy thoái, hủy hoại, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai.

Từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai; tích cực tham gia quản lý, bảo vệ nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

[...]