Kế hoạch 45/KH-UBND năm 2018 triển khai thực hiện Quyết định 2053/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Số hiệu 45/KH-UBND
Ngày ban hành 24/08/2018
Ngày có hiệu lực 24/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Trần Anh Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/KH-UBND

Trà Vinh, ngày 24 tháng 08 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2053/QĐ-TTG NGÀY 28/10/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

Thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (sau đây viết tắt là BĐKH), Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung như sau:

I. TỔNG QUAN VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên 2.358 km2 (trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 79%), nằm giữa hai sông lớn là sông Cổ Chiên và sông Hậu, có 578 km sông rạch và trên 800 km kênh cấp 1; bờ biển dài 65 km; có 03 huyện, 01 thị xã giáp biển với 06 xã đảo.

Nằm ở vị trí cuối nguồn hệ thống sông Mê Kông, chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều của biển Đông, do đó theo dự báo Trà Vinh sẽ là 01 trong những tỉnh chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo Kịch bản RCP4.5, Kịch bản RCP8.5 của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016, nhiệt độ và lượng mưa trung bình năm tại Trà Vinh đều có xu thế tăng đến cuối thế kỷ 21. Nguy cơ ngập vì nước biển dâng do biến đổi khí hậu tại Trà Vinh ứng với mực nước biển dâng 50 cm là 0,8% diện tích, nước biển dâng 70 cm là 1,33% diện tích, nước biển dâng 100 cm là 21,3% diện tích, địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất là huyện Càng Long (46,02%) và huyện Tiểu Cần (56,3%).

Thời gian qua, biến đổi khí hậu làm cho hạn hán kéo dài gây thiếu nước ngọt vào mùa khô, lượng mưa trung bình hàng năm giảm, số đợt mưa bất thường gia tăng; nhiệt độ tăng cao; nước biển có chiều hướng dâng cao; xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp và xâm nhập sâu vào nội đồng; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng.

Hàng năm, vào những ngày trung tuần tháng 9, 10, 11 gió Đông Bắc thổi mạnh, sóng lớn kết hợp với triều cường dâng cao làm sạt lở nghiêm trọng những khu vực xung yếu trên địa bàn các xã ven biển, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, đe dọa đến tính mạng của người dân trong vùng. Theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện trạng biến động đường bờ biển tỉnh Trà Vinh dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra khá phức tạp, giai đoạn 1990 - 2010 hoạt động xói lở mạnh và diễn ra liên tục trên hầu hết đường bờ biển tỉnh Trà Vinh với tốc độ trung bình trên 7,6 m/năm có nơi lên đến trên 13,6m/năm tại đường bờ biển thuộc địa phận xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải và nhỏ nhất là khu vực ấp Ba Động, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải cũng lên đến 4,6m/năm, hiện nay vẫn đang tiếp diễn. Hoạt động bồi tụ chỉ diễn ra trên khoảng 05 km đường bờ biển thuộc địa phận thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang đoạn gần ra cửa biển Cung Hầu với tốc độ trung bình 6,76 m/năm.

Qua khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trong điều kiện BĐKH - nước biển dâng, toàn tỉnh có 18 đoạn sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 40,54 km, tốc độ sạt lở trung bình từ 2 - 4m/năm và 03 khu vực sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 24,5km, tốc độ sạt lở trung bình từ 15 - 20m/năm. BĐKH đã và đang diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt vào năm 2016, mặn lấn sâu vào các tuyến sông chính trên 70km, gây thiệt hại cho 29.833,09 ha lúa, 1.344,96 ha màu và cây công nghiệp ngắn ngày, 403,47 ha cây ăn trái, 248,96 ha nuôi trồng thủy sản, 21.384 hộ bị thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn trong đó có 10.572 hộ bị thiếu nước nghiêm trọng. Tổng giá trị bị thiệt hại là 1.130 tỷ đồng. Với những diễn biến về thời tiết, khí tượng, nước thượng nguồn như hiện nay, thiên tai xâm nhập mặn có thể sẽ tái diễn thường xuyên hơn.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cộng đồng trong việc chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

- Nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và cộng đồng về BĐKH, tầm quan trọng của việc triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH được phê duyệt tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

- Triển khai các hoạt động, giải pháp phù hợp, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

2. Yêu cầu

- Quán triệt, bám sát các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai thực hiện có hiệu quả, thiết thực; chủ động lồng ghép các hành động ứng phó với BĐKH vào các kế hoạch đầu tư, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong quá trình thực hiện có kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

- Kế thừa, phát huy các kết quả đạt được và tiếp tục các hoạt động ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh phù hợp với yêu cầu mới.

- Huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị có liên quan, khối doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Căn cứ các nhiệm vụ thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ban hành kèm theo Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ chính, chia làm 02 giai đoạn thực hiện (giai đoạn 2018 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030) như sau:

- Nhóm 1: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

- Nhóm 2: Thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Nhóm 3: Chuẩn bị các nguồn lực.

- Nhóm 4: Thiết lập hệ thống công khai, minh bạch (MRV).

- Nhóm 5: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế.

(Đính kèm Phụ lục: Danh mục các nhiệm vụ, dự án triển khai kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu)

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

[...]