Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 4497/KH-UBND năm 2022 về phát triển dược liệu tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 4497/KH-UBND
Ngày ban hành 18/10/2022
Ngày có hiệu lực 18/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4497/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 18 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Ninh Thuận là tỉnh ven biển cực Nam Trung bộ; địa hình của Ninh Thuận đa dạng, có điều kiện tự nhiên và địa hình thích hợp với nhiều loài cây dược liệu như: Bách bệnh, Xáo tam phân, Kim ngân hoa, Nghệ đen, Dây khai, Linh chi tím, Sa nhân tím và một số loài cây thuốc chứa hàm lượng tinh dầu cao như Bạc hà, sả, nghệ có giá trị kinh tế cao… Kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh về Khảo sát, điều tra cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2017 của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã ghi nhận Ninh Thuận hiện có 1.269 loài cây thuốc, trong đó, đã chỉ ra 82 nguồn gen quý hiếm, đặc trưng, mang tính chất bản địa, cần bảo tồn, phát triển.

Trong những năm qua, nguồn cung dược liệu của Ninh Thuận chủ yếu dựa trên việc thu hái, khai thác từ tự nhiên, chưa chú trọng đến việc gieo trồng, tái sinh. Việc thu hái còn mang tính tự phát và không được quản lý chặt chẽ, dẫn tới tình trạng ngày càng nhiều thương lái từ khắp nơi thu mua ồ ạt một số loại cây thuốc. Việc khai thác tự nhiên dẫn đến nguy cơ suy giảm rất nhanh số lượng và thành phần loài cây thuốc, dược liệu quý ở Ninh Thuận.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào gieo trồng, sản xuất giống cây thuốc và chế biến sau thu hoạch, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Trong đó, nguồn giống chủ yếu lấy từ tự nhiên nên không có sự đồng đều; phương pháp gieo trồng thường dựa vào kinh nghiệm cá nhân, chưa có một quy trình chuẩn; cách thức chế biến sau thu hoạch cũng không áp dụng theo quy trình khoa học dẫn tới hàm lượng hoạt chất trong sản phẩm bị hao hụt nhiều, ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm.

Hiệu quả kinh tế từ nguồn thu dược liệu tại tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng nguồn cung dược liệu tại địa phương. Đồng thời, vì mục đích thương mại và giá trị cây thuốc cao, việc thu hái, khai thác dược liệu tràn lan, khiến các loài dược liệu tự nhiên cạn kiệt và đối diện nguy cơ tuyệt chủng. Việc trồng, chế biến dược liệu chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát và giá trị gần như phụ thuộc thị trường thu mua từ Trung Quốc. Ngoài ra, tại tỉnh cũng thiếu vắng doanh nghiệp đầu tư chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, khiến hiệu quả kinh tế chưa cao…

Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển Ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định 376/QĐ-TTg ngày 17/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Căn cứ Công văn số 1881/BYT-YDCT ngày 18/6/2022 của Bộ Y tế về việc triển khai Quyết định 1719/QĐ-TTg về dự án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.

Căn cứ Kế hoạch 1955/KH-UBND ngày 25/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện “Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại tỉnh Ninh Thuận”

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Phát triển cây dược liệu gắn với bảo vệ, nâng cao hiệu quả diện tích hiện có, gắn với việc bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái; phát huy ngành nghề truyền thống gắn với quảng bá và phát triển du lịch, lễ hội vùng, miền và góp phần cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân.

- Phát triển dược liệu ổn định, lâu dài, với qui mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và thị trường.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, góp phần tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm nội địa (GDP).

- Góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích; tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái. Từng bước đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Tập trung phát triển các chủng loại dược liệu hàng hóa, trong đó ưu tiên phát triển các chủng loại dược liệu có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ phù hợp các tiểu vùng khí hậu, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh của địa phương.

- Phát triển các loại cây dược liệu trong định hướng gồm 25 loại: Bách bệnh, Bách bộ, Sả, Sa nhân tím, Sâm cau, Địa liền, Gấm núi, Bòng bòng dẻo, Dây đau xương, Lô hội, Hà thủ ô đỏ, Đinh lăng, Dây khai, Sâm bố chính, Linh chi tím, Bạc hà, Nghệ , Dây thần thông, Chuối cô đơn, Kim ngân hoa, Râu mèo, Cốt toái bổ, Bách bộ, Lan gấm, Cẩu tích.

- Phát triển cây dược liệu phải phù hợp với định hướng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan; hình thành các vùng trồng cây dược liệu để phát triển ổn định, lâu dài; tạo sự liên kết chặt chẽ, ổn định theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch gắn với chế biến, tiêu thụ đảm bảo phát triển cây dược liệu bền vững, hiệu quả.

II. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Nội dung:

1.1. Phát triển cây dược liệu đến năm 2025:

- Bảo tồn và khai thác bền vững 82 nguồn gen quý hiếm, đặc trưng của tỉnh (theo Phụ lục I).

- Phát triển 25 cây dược liệu quý, đặc hữu với qui mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường (theo Phụ lục II).

- Phát triển 60 cây dược liệu với qui mô lớn phục vụ khám chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền của đồng bào Chăm, xã Xuân Hải (theo Phụ lục III).

[...]