Kế hoạch 44/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh theo Chỉ thị 45/CT-TTg trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 44/KH-UBND
Ngày ban hành 09/02/2021
Ngày có hiệu lực 09/02/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ô Pích
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 09 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỒNG 1 TỶ CÂY XANH THEO CHỈ THỊ SỐ 45/CT-TTG NGÀY 31/12/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021;

Căn cứ Công văn số 50/BNN-TCLN ngày 06/01/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021;

UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện (Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh) theo Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đến năm 2025 đạt mục tiêu trồng mới 30,0 triệu cây xanh và 200 ha rừng trồng phòng hộ (không tính rừng trồng thay thế và rừng trồng sau khai thác) theo Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ Tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021;

- Phát huy vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị các cấp và huy động sự tham gia vào cuộc của các đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân trong việc thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Yêu cầu

- Giao chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán trong cả giai đoạn và từng năm cụ thể tới từng huyện, thành phố để làm cơ sở tổ chức thực hiện;

- Tập trung quyết liệt trong công tác điều hành, chỉ đạo, chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện;

- Việc tổ chức trồng rừng, trồng cây phân tán phải đúng thời vụ; việc lựa chọn loài cây phải phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế trong cả giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi trồng, công tác chăm sóc, bảo vệ phải được quan tâm và gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây sau khi trồng đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân;

- Việc tổ chức thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng;

- Sau khi thực hiện trồng cây, các địa phương tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt; hàng tháng báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh.

II. NỘI DUNG

1. Công tác chỉ đạo, tuyên truyền

- Thực hiện tuyên truyền pháp luật về Lâm nghiệp, bảo đảm pháp luật được thực thi đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn; nhất là các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc bảo vệ cây trồng; các cơ chế, chính sách về triển khai thực hiện; trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; động viên sự tham gia của toàn xã hội chung sức tham gia trồng cây, trồng rừng.

- Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị, Ban quản lý khu công nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và đưa vào chương trình công tác, nhiệm vụ hàng năm của đơn vị.

2. Rà soát quỹ đất để trồng rừng, trồng cây phân tán

UBND các huyện, thành phố phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức rà soát chi tiết quỹ đất có thể trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ; xác định từng vị trí, địa điểm, số lượng, loại cây trồng để xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn quản lý, trong đó cần tập trung các địa điểm sau:

- Địa điểm trồng cây phân tán gồm: Trồng ven đường phố, trồng trong công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình tín ngưỡng, khu văn hóa lịch sử, tôn giáo và các công trình công cộng khác, khu cụm công nghiệp; trên đất vườn, ven đường, bờ vùng, bờ đồng, các diện tích đất nhỏ lẻ khác...

- Trồng rừng tập trung: Trồng rừng phòng hộ.

3. Loài cây trồng và tiêu chuẩn cây trồng

3.1. Loài cây trồng:

Loài cây trồng thuộc Danh mục các loài cây chủ yếu trồng rừng theo các vùng sinh thái lâm nghiệp (tại Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các loài cây bản địa khác phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương. Cụ thể như sau:

- Đối với trồng rừng phòng hộ: Tập trung chủ yếu một số loài cây như: Thông mã vĩ, Thông caribe, Vối thuốc, Lim xanh, Keo...

- Đối với trồng cây phân tán: Tập trung chủ yếu một số loài cây như Phượng, Muồng, Lát Hoa, Lim xẹt, Sưa, Hoàng Nam, Xà cừ, Bàng Đài loan, Sấu, Trám, Lim Xanh, Keo tai tượng, Keo lai, Bạch đàn...

[...]