Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 434/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 515/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu 434/KH-UBND
Ngày ban hành 28/09/2023
Ngày có hiệu lực 28/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Lê Ngọc Châu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 434/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 28 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 515/QĐ-TTG NGÀY 15/5/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Triển khai, thực hiện kịp thời Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn Hà Tĩnh đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của tỉnh Hà Tĩnh.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và từng địa phương, cơ sở.

- Việc triển khai thực hiện Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh phải được tiến hành đồng bộ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực, gồm: di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh, thư viện, văn hóa dân tộc, văn hóa đối ngoại, công nghiệp văn hóa...

2. Đối tượng

- Di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận, di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc nguy cơ mai một.

- Di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, các di tích có giá trị tiêu biểu có nguy cơ xuống cấp, các thiết chế văn hóa.

- Đội ngũ văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa.

- Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện hệ thống các văn bản chủ trương, chính sách về văn hóa và nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển văn hóa Hà Tĩnh đến năm 2030, định hướng những năm tiếp theo.

Tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của văn hóa, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư cho phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh. Thực hiện chính sách trọng dụng, tuyển dụng, đãi ngộ, tôn vinh tài năng và cống hiến đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hoá.

Đẩy mạnh truyền thông, phổ biến sâu rộng về các nhiệm vụ trọng tâm Chương trình của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này của tỉnh đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư, đội ngũ những người làm văn hóa. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực văn hóa, tiếp tục phân cấp quản lý văn hóa cho các địa phương.

2. Bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc

Thực hiện tốt, kịp thời Nghị quyết số 98/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025.

Phát huy có hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể Ca trù, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, các lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, thông qua thực hiện các nhiệm vụ: kiểm kê nhận diện di sản, bảo tồn văn hóa phi vật thể, sưu tầm, bổ sung trưng bày tư liệu hiện vật...

Đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu cổ, quý hiếm có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học. Đẩy mạnh xây dựng hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động của Bảo tàng tỉnh.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường, đa dạng hóa hoạt động giáo dục di sản. Tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia truyền dạy, quảng bá di sản văn hóa.

3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa

[...]