Kế hoạch 43/KH-UBND khuyến công Thành phố Hà Nội năm 2024

Số hiệu 43/KH-UBND
Ngày ban hành 31/01/2024
Ngày có hiệu lực 31/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/KH-UBND

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

KHUYẾN CÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2024

Căn cứ: Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; Quyết định số 4159/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Văn bản số 251/TB-BCT ngày 10/8/2023 của Bộ Công Thương về thông báo Kết luận của Thứ trưởng Phan Thị Thắng tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX, năm 2023 tại Quảng Ninh; Trên cơ sở kết quả thực hiện Kế hoạch khuyến công Thành phố năm 2023, đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 5216/TTr-SCT ngày 18/10/2023 và Tờ trình số 16/TTr-SCT ngày 03/01/2024, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch khuyến công thành phố Hà Nội năm 2024, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thuộc các ngành có tiềm năng, thế mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm, thị trường bền vững; Khuyến khích chuyển giao công nghệ, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững.

- Tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh, tham gia các chuỗi cung ứng và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khuyến khích các hoạt động kết nối giao thường trực tuyến phù hợp với tình hình mới.

- Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, hạn chế gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể:

Phấn đấu năm 2024, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ hồi phục và tăng trưởng 6-8%/năm; Tạo ra 650-800 mẫu thiết kế mới phục vụ thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ 600-650 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế; hỗ trợ 10-15 cơ sở đầu tư thiết bị mới tiên tiến hiện đại vào sản xuất; khoảng 2.000 - 2.500 học viên là lãnh đạo, quản lý của cơ sở công nghiệp nông thôn được nâng cao năng lực quản lý.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn

- Tổ chức tập huấn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (về quản trị doanh nghiệp, Marketing, hội nhập quốc tế, khởi nghiệp doanh nghiệp...) với các giảng viên là các: Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ, Chuyên gia đầu ngành đến từ các trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu, trường Cao đẳng lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành TCMN giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; Tổ chức 02 đoàn đi khảo sát, kết nối vùng nguyên liệu, và học tập kinh nghiệm công tác khuyến công của các tỉnh, thành phố trong nước.

- Tổ chức 01 Hội thảo giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm TCMN cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Tổ chức Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII năm 2024 (theo chỉ đạo của Bộ Công Thương).

2. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN)

- Hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.

- Hỗ trợ cơ sở CNNT hoàn chỉnh tài liệu quy trình công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật (áp dụng các bước theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018)

3. Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

- Tổ chức Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ 2024.

- Tổ chức Hội chợ triển lãm hàng lưu niệm Thủ đô năm 2024.

- Tổ chức Hội chợ công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024 nằm trong chuỗi sự kiện ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024 tại thành phố Hà Nội theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

- Mời và hỗ trợ các nhà nhập khẩu nước ngoài đến tham quan, giao dịch tại Hội chợ quốc tế quà tặng hàng TCMN Hà Nội năm 2024.

- Tổ chức hoạt động triển lãm chuyên đề tại: “Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô” tại 176 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.

- Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế hàng TCMN, đồ gỗ và hàng quà tặng Việt Nam (Hội chợ Lifestyle 2024) tại TP Hồ Chí Minh nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương, ký kết hợp đồng xuất khẩu (Nếu Hội chợ được tổ chức).

- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia Hội chợ xuất khẩu hàng TCMN ở nước ngoài (Pháp, Nhật Bản, Hồng Kông- Trung Quốc...), kết hợp mời nhà nhập khẩu nước ngoài đến tham quan giao dịch tại Hội chợ.

- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm chuyên ngành trong nước.

[...]