Kế hoạch 4253/KH-UBND năm 2021 về phòng ngừa, ứng phó thảm họa môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 4253/KH-UBND
Ngày ban hành 29/11/2021
Ngày có hiệu lực 29/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Ngọc Sâm
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4253/KH-UBND

Kon Tum, ngày 29 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;

Căn cứ Nghị định số 40/2017/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Kế hoạch số 1443/KH-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phòng ngừa, ứng phó thảm họa môi trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương và cơ sở trong việc xây dựng, thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó thảm họa môi trường; chủ động chuẩn bị các nguồn lực, phương tiện, thiết bị để sẵn sàng ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, thảm họa môi trường.

- Cụ thể hóa các quy định của pháp luật về công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa môi trường do chất thải gây ra trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là sự cố, thảm họa môi trường);

- Chủ động phòng ngừa không để xảy ra thảm họa môi trường trên địa bàn tỉnh và ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra, nhằm bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.

2. Yêu cầu:

- Việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường phải tuân thủ quy trình, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, môi trường và ứng phó sự cố, thảm họa môi trường thực hiện theo phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ (4 tại chỗ).

- Đảm bảo sự phối hợp thống nhất, đồng bộ giữa các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý toàn diện hoạt động quản lý chất thải, bảo vệ môi trường, tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa môi trường do chất thải trên địa bàn tỉnh.

- Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó trước, trong và sau khi sự cố, thảm họa môi trường xảy ra nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại về người, tài sản, tài nguyên thiên nhiên và môi trường, góp phần phát triển bền vững.

- Phát huy sự tham gia, giám sát của người dân và các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó thảm họa môi trường trên địa bàn tỉnh.

3. Phạm vi áp dụng: Kế hoạch này áp dụng đối với sự cố, thảm họa phát sinh do chất thải gây ra của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; không áp dụng đối với các sự cố khác như: sự cố hóa chất, sự cố tràn dầu, sự cố rò rỉ phóng xạ, hạt nhân...

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI KHI CÓ SỰ CỐ, THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN

1. Phòng ngừa sự cố môi trường:

a. Đối với các cơ sở có nguy cơ gây ra thảm họa môi trường phải thực hiện các nội dung sau:

- Có đầy đủ hồ sơ pháp lý về môi trường theo quy định (quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường,...).

- Lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố, thảm họa môi trường của cơ sở theo hướng dẫn tại Phụ lục đính kèm theo Kế hoạch này hoặc lồng ghép, tích hợp với các kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch ứng phó sự cố khác; đối với đơn vị được giao quản lý, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung với các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó thảm họa môi trường riêng. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố, thảm họa môi trường phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án và Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Phải bảo đảm đầy đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố, thảm họa phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở; tiến hành bảo dưỡng định kỳ, bổ sung và thay thế các thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng để bảo đảm khả năng sử dụng tốt trong mọi tình huống.

- Định kỳ 01 năm/lần tổ chức đào tạo, tập huấn và diễn tập về các nội dung trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố, thảm họa môi trường cho cán bộ và người lao động trong cơ sở.

- Công khai thông tin về rủi ro xảy ra các sự cố, thảm họa trong quá trình hoạt động của cơ sở để cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất khác trong khu vực biết, phối hợp trong quá trình phòng ngừa và ứng phó sự cố, thảm họa.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và áp dụng các biện pháp an toàn nhằm ngăn ngừa các sự cố, thảm họa theo đúng quy định.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ