Kế hoạch 42/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022-2030

Số hiệu 42/KH-UBND
Ngày ban hành 22/02/2022
Ngày có hiệu lực 22/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 22 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DÂN CA, DÂN VŨ, DÂN NHẠC CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2022 - 2030

Thực hiện Quyết định số 3404/QĐ-BVHTTDL ngày 22/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án), UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án trên địa bàn tỉnh thông qua việc triển khai thực hiện dự án, chương trình, sự kiện, hoạt động cụ thể phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, vừa có sự tiếp thu, đổi mới, phát triển, đồng thời đảm bảo gìn giữ được những đặc điểm cơ bản, cốt lỗi mang bản sắc dân tộc trong dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ mai sau những giá trị độc đáo, mang đậm tính nhân văn, những phong tục, tập quán tốt đẹp về lề lối sinh hoạt văn hoá của các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trong xã hội ngày nay. Nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của cộng đồng, cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý nghĩa, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở hiện tại và tương lai.

- Việc bảo tồn, phát huy giá trị phải gắn kết, kết nối chặt chẽ với việc bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa khác như: phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, văn học dân gian, lễ hội truyền thống…, đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan như: du lịch, giáo dục, an ninh, thông tin truyền thông, môi trường. Tổ chức xây dựng, khai thác tốt các loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng các ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các di sản đã được công nhận và ghi danh trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các địa phương.

2. Yêu cầu

- Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung, nhiệm vụ của Đề án trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch đề ra. Nghiên cứu, xem xét đưa các chỉ tiêu thực hiện cụ thể vào Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy, chính quyền, của cơ quan, đơn vị, địa phương theo định kỳ từng năm, từng giai đoạn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc, chủ động trong việc tham mưu, đề xuất và chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung theo kế hoạch đề ra.

- Việc xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch phải gắn với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, đảm bảo tính khả thi. Lựa chọn nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch có giá trị tiêu biểu, đặc sắc; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán để tạo ra phương thức, biện pháp bảo tồn và phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống gắn với hoạt động khai thác, phát triển du lịch nhằm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân tại địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Giai đoạn 1 (2022 - 2025):

- Hoàn thiện công tác khảo sát, rà soát, kiểm kê, tư liệu hóa và lập danh mục các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Lập 01 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

- Triển khai 01 - 02 đợt sưu tầm các di vật, hiện vật, đạo cụ, trang phục…; tổ chức 01 cuộc triển lãm chuyên đề dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng bảo tồn, phát huy giá trị 02 - 03 loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Biên tập, phát hành, xuất bản từ 02 - 03 đầu sách về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của Nhân dân.

- Tổ chức 01 cuộc hội thảo khoa học về bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

- Xây dựng, ban hành 01 cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống; các nghệ nhân người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số.

- Trung bình hàng năm mỗi huyện, thành phố đầu tư, hỗ trợ duy trì đảm bảo hoạt động cho từ 02 - 03 câu lạc bộ dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025, 50% số thôn, bản, khối phố có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

- Hướng dẫn lập 06 - 08 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”, “Nghệ sỹ Nhân dân” , “Nghệ sỹ Ưu tú” trong lĩnh vực dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống theo quy định.

- Tổ chức 02 lớp bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho công chức văn hóa, nghệ nhân, người có uy tín. Phấn đấu 70% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.

- Tổ chức 8 - 10 lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trong cộng đồng. 100% các trường dân tộc nội trú và các cơ sở giáo dục tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu cho học sinh.

- 40% các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng gắn với phát triển du lịch. Các khu, điểm du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số duy trì hoạt động ít nhất 01 Câu lạc bộ/đội văn nghệ phục vụ phát triển du lịch.

- Tham gia 8 - 10 hội thi, hội diễn, liên hoan, cuộc trình diễn, giao lưu, quảng bá, giới thiệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống ở các sự kiện văn hóa

- chính trị, giao lưu - đối ngoại trong và ngoài nước quy mô vùng, miền, toàn quốc. Tổ chức 02 cuộc liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc cấp tỉnh; 15 - 20 liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc cấp huyện hoặc liên huyện.

- Sáng tác, đặt lời, cải biên, chỉnh lý 50 - 60 làn điệu dân ca. Tư liệu hóa (ghi âm, ghi hình, ký âm…), phát hành đĩa DVD từ 02 - 03 loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống gắn với việc ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện số hóa dữ liệu 60% các loài hình dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số tại địa phương.

2. Giai đoạn 2 (2026 - 2030):

[...]