Kế hoạch 415/KH-UBND năm 2024 về phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2025-2030

Số hiệu 415/KH-UBND
Ngày ban hành 23/10/2024
Ngày có hiệu lực 23/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 415/KH-UBND

Lào Cai, ngày 23 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2025-2030

I. SỰ CẦN THIẾT

Đối với sản phẩm bất kỳ, uy tín thương hiệu đóng vai trò quan trọng. Về cơ bản, thương hiệu đáp ứng mục đích nhận diện để đơn giản hóa về việc xử lý sản phẩm hoặc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã... Thương hiệu cho phép tổ chức, cá nhân bảo vệ hợp pháp những đặc điểm và hình thức đặc trưng riêng có của sản phẩm. Thương hiệu có thể được bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, đem lại tư cách hợp pháp cho người sở hữu thương hiệu. Các quyền sở hữu trí tuệ này đảm bảo rằng tổ chức, cá nhân có thể đầu tư một cách an toàn cho thương hiệu và thu lợi nhuận.

Lào Cai là tỉnh có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn về tiêu thụ hàng hoá nông sản làm cho giá nông sản không ổn định, có xu hướng giảm và ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Trong khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét với tần suất thiên tai ngày càng dày, mức độ nghiêm trọng và quy mô ngày càng lớn, tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân đòi hỏi trong tương lai nông nghiệp phải nâng cao vị thế cạnh tranh trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ và giá cả không ổn định.

Hiện nay một số thương hiệu nông sản của Lào Cai đã được thị trường biết đến như: Gạo séng cù, tương ớt Mường Khương, Mận Tam Hoa Bắc Hà, Rau ôn đới, cá nước lạnh Sa Pa…. Tuy nhiên trong thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản này chưa được đầu tư và phát triển đúng mức, xây dựng và phát triển chỉ dừng lại ở việc tổ chức tập huấn, hội thảo và sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ (với diện tích còn rất hạn chế) và truyền thông đại chúng chỉ dừng lại ở quảng bá trên các phương tiện thông tin, báo đài địa phương. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu đòi hỏi sự đầu tư và phát triển thỏa đáng, tính nhất quán, sự bền bỉ và lâu dài. Đa phần các doanh nghiệp đều cho rằng, thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh, là tài sản vô hình có giá trị lớn nhất của doanh nghiệp,… Tuy nhiên, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp hiểu được rằng xây dựng thương hiệu cần bắt đầu từ đâu, số còn lại đều rất lúng túng khi đưa ra một kế hoạch phát triển thương hiệu. Do vậy, thương hiệu của các địa phương, các doanh nghiệp hiện nay mới chỉ dừng ở mức độ để phân biệt chứ chưa được thương mại hoá. Thực trạng này xuất phát từ nhận thức của chính các doanh nghiệp, cho rằng việc có một cái tên, một logo đẹp, được đăng ký bảo hộ là hoàn thành việc xây dựng thương hiệu nhưng thực chất việc xây dựng, phát triển thương hiệu là phải làm cho cái tên đó trở lên có ý nghĩa, có tác động mạnh tới tâm lý và hành vi của người tiêu dùng và quan trọng hơn, phải có giá trị thương mại. Đây là công việc lâu dài, mang tính chiến lược của doanh nghiệp, bao gồm việc định hướng chiến lược cho hệ thống thương hiệu, việc quảng bá và định vị thương hiệu và các hệ thống quản lý nhằm bảo vệ và phát triển thương hiệu.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Lào Cai cần có sự đồng bộ đề xuất và thực hiện các giải pháp cũng như sự quyết tâm và động lực của các cấp, các ngành có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà sản xuất nông sản tại địa phương. Đặc biệt, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh là vô cùng cần thiết và cấp bách để Lào Cai ngày càng tiến sâu hơn trong quá trình hội nhập.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng thương hiệu nông sản dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu như: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể mang tên địa danh cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh Lào Cai nhằm mục tiêu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản của tỉnh tại thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời khai thác, quản lý và phát triển có hiệu quả nhãn hiệu sản phẩm. Từ đó, có chiến lược phát triển quảng bá các đặc sản tiềm năng của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Triển khai đồng bộ từ các cấp, các ngành, các địa phương đến các doanh nghiệp và Nhân dân trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2025 - 2030.

- Phân bổ nguồn lực hỗ trợ thực hiện hoạt động phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm; tập trung tổ chức phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.

III. THỰC TRẠNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU CÁC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP TỈNH LÀO CAI

1. Kết quả xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản tỉnh Lào Cai

Trong những năm qua, việc xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lào Cai được triển khai qua nhiều hình thức và đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:

- Về hoạt động phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm nông nghiệp: Tính đến thời điểm hiện tại, Lào Cai có 405 văn bằng sở hữu công nghiệp được bảo hộ ở trong nước còn thời hạn, trong đó có 401 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (51 nhãn hiệu tập thể, 17 nhãn hiệu chứng nhận, 02 chỉ dẫn địa lý mang địa danh của tỉnh còn lại 331 nhãn hiệu thông thường không mang địa danh) và 04 kiểu dáng công nghiệp.

Trong 401 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được cấp văn bằng, Lào Cai có gần 100 nhãn hiệu bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, có 40 sản phẩm nông nghiệp mang địa danh được Bộ KH&CN, Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ xây dựng và đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Mận Bắc Hà, rau Bắc Hà, Quýt Mường Khương, chè Ô long Cao Sơn, bưởi Múc Bảo Thắng, cá nước lạnh Sa Pa, vịt bầu Nghĩa Đô, thịt trâu sấy Bảo Yên, cá nước lạnh Bát Xát, vịt cổ nhung xanh Văn Bàn, chỉ dẫn địa lý Thẩm Dương cho sản phẩm gạo nếp huyện Văn Bàn, chỉ dẫn địa lý Mường Khương - Bát Xát cho sản phẩm gạo Séng Cù của tỉnh Lào Cai,… Hiện tại, tỉnh đang hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và phát triển chỉ dẫn địa lý cho 17 sản phẩm như: Hồng không hạt Bảo Hà, rau an toàn Bảo Thắng, lợn đen Văn Bàn, cốm Bắc Hà, bánh chưng đen Bắc Hà, cá nước lạnh Văn Bàn, thanh long ruột đỏ Bảo Yên, chuối ngự Hồng Cam…

Đến nay, các nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh được bảo hộ đang duy trì, bước đầu phát triển, được các tổ chức, cá nhân sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. Nhãn hiệu được in lên bao bì, tem, nhãn dán lên sản phẩm, in trên phương tiện quảng bá để tuyên truyền sản phẩm tới người tiêu dùng và trở thành hàng hóa được nhiều người biết đến mang sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại giá trị kinh tế do chênh lệch giá bán sau khi có nhãn hiệu cho địa phương mỗi năm hàng chục tỷ đồng, như năm 2023: Nhãn hiệu Mận Bắc Hà khoảng 6 tỷ (giá tăng trung bình 2.000 đ/1kg x 3.000.000 kg/năm (320 ha cho thu ho ạch) = 6 tỷ đồng/năm); nhãn hiệu tập thể Su su Sa Pa trên 3,6 tỷ đồng/năm (giá tăng trung bình 500 đ/1kg x 7.300.000 kg/năm (120 ha) = 3,6 tỷ/năm); nhãn hiệu vịt bầu Nghĩa Đô sau khi có nhãn hiệu giá tăng trung bình từ 5.000-6.000 đ/con; nhãn hiệu tập thể Quýt Mường Khương được thị trường biết đến, đưa vào các siêu thị lớn Hà Nội, có đầu ra ổn định, giá tăng từ 1.000 - 2.000đ/kg... Các sản phẩm được bảo hộ như dứa Mường Khương, Hoàng Sin Cô Bát Xát đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng; uy tín, chất lượng sản phẩm nâng lên và đã được các nhà máy, công ty lớn như công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Ninh Bình và Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu thu mua dứa Mường Khương đưa vào nhà máy chế biến thành nước ép dứa, thạch dứa. Củ Hoàng Sin Cô được Công ty TNHH Long Hải đứng ra liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn để chế biến thành nước giải khát; chè Ô long Cao Sơn có thương hiệu được cấp cho Công ty TNHH một thành viên Mường Hoa sử dụng nhãn hiệu đã thu mua chè cho bà con, thực hiện chế biến gắn nhãn hiệu đưa sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và hướng dẫn bà con áp dụng đúng kỹ thuật vào sản xuất chè Ô long đảm bảo nguyên liệu sản phẩm để duy trì phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Ô long Cao Sơn” được bảo hộ...Hiện các nhãn hiệu sản phẩm được hỗ trợ bảo hộ vẫn đang tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả, nâng cao giá bán mang lại giá trị kinh tế cao.

(Có biểu 1: Danh mục các sản phẩm nông nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ kèm theo)

- Về hoạt động thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá thương hiệu nông sản: Xây dựng các video, phóng sự tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong nước” đối với sản phẩm nông sản của Lào Cai như: Cá nước lạnh, tương ớt Mường Khương; Chuối Lào Cai…

Triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong việc phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh sản phẩm: (i) Duy trì, vận hành Sàn Thương mại điện tử tỉnh Lào Cai, đã duy trì và hỗ trợ 135 gian hàng với 397 sản phẩm của các đơn vị đăng tải; (i) Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia Hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản với 107 doanh nghiệp/hợp tác xã với 331 dòng sản phẩm được minh bạch thông tin, rõ nguồn gốc xuất xứ và Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp với 233 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân và 431 sản phẩm tham gia Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại.

- Về hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản: Từ năm 2020 đến nay, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai một số hoạt động XTTM góp phần xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các nông sản thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm hay tổ chức các tuần lễ, tuần hàng, hội chợ về sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng và các sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai được quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Một số chương trình tiêu biểu đã được triển khai có thế kể đến như: ( 1) Hội chợ “Nông nghiệp và các sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc” tỉnh Lào Cai năm 2020 (2) Tuần lễ giao thương xúc tiến tiêu thụ mận Tam Hoa Bắc Hà - Lào Cai, Vải Thiều Bắc Giang và Xoài Sơn La tại thành phố Lào Cai; (3) Tuần lễ quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi; (4) Tuần lễ nhận diện nông sản an toàn và sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai tại thành phố Hà Nội được tổ chức hàng năm…

Thông qua các hoạt động XTTM đã phần nào quảng bá sản phẩm đặc hữu có thế mạnh của tỉnh Lào Cai đến thị trường trong nước nhằm nâng cao thương hiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh; hỗ trợ giúp các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất có cơ hội tìm kiếm đối tác hợp tác tiêu thụ sản phẩm; xây dựng, hình thành được các kênh phân phối ổn định cho các sản phẩm của tỉnh Lào Cai.

- Về kết quả phát triển sản phẩm OCOP của địa phương:

Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 205 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 95,2 % sản phẩm 3 sao; 4,8% sản phẩm 4 sao. Đã có 102 chủ thể OCOP, trong đó có 51,8% là HTX, 8,4 % là doanh nghiệp, 33 % là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là các Tổ hợp tác.

2. Đánh giá chung

2.1. Kết quả đạt được

[...]